Cuộc gặp diễn ra trên một con tàu của LHQ ở ngoài khơi bờ biển của thành phố "điểm nóng" Hodeida, vì lực lượng Houthi không đồng ý đàm phán ở khu vực do chính phủ kiểm soát. Tướng về hưu người Hà Lan Patrick Cammaert chủ trì cuộc họp.
Theo kế hoạch, cuộc họp sẽ thảo luận việc thực thi một thỏa thuận đã đạt được tại Thụy Điển tháng 12/2018, trong đó kêu gọi ngừng bắn ở Hodeida, nơi đang bị Houthi chiếm đóng, rút các lực lượng quân sự khỏi thành phố cảng này và mở các hành lang nhân đạo. Đây là cuộc gặp thứ ba của một ủy ban hỗn hợp về thực thi thỏa thuận.
Thỏa thuận trên được xem là một bước đi lớn hướng tới chấm dứt cuộc chiến kéo dài 4 năm qua ở Yemen. Trên thực tế, cả phiến quân Houthi và quân đội chính phủ được sự hậu thuẫn của liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu liên tục cáo buộc lẫn nhau nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và cho rằng các điều khoản thỏa thuận có nhiều kẽ hở.
Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ ngày 16/1 đã thông qua nghị quyết tăng số quan sát viên từ 20 lên 75 người nhằm đánh giá tình hình chính xác hơn. Cũng theo nghị quyết do Anh bảo trợ này, HĐBA thành lập ủy ban giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ Yemen và phiến quân Houthi với tên gọi chính thức là Phái đoàn LHQ hỗ trợ Thỏa thuận Hodeidah (UNMHA). Tổng thư ký LHQ sẽ báo cáo trước HĐBA hằng tháng về việc thực hiện nội dung nghị quyết và đánh giá hoạt động của UNMHA sau 5 tháng.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Tháng 3/2015, liên quân Arab đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi. Theo LHQ, kể từ đó đến nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen. Xung đột cũng đẩy quốc gia Trung Đông này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với hơn 80% dân số, tương ứng 24 triệu người, phải sống trong cảnh khốn khó, cần được cứu trợ nhân đạo.