Chương trình này có tên là Chiến đấu cơ thế hệ mới thống trị trên không (NGAD), sẽ xoay quanh chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Mục tiêu của NGAD là đến giữa thế kỷ 21, cung cấp cho Mỹ hệ thống vũ khí mạnh mẽ nhất trên bầu trời và thay thế tiêm kích F-22 Raptor.
Khi NGAD lần đầu tiên được đề xuất, kỳ vọng rất cao, bao gồm cả khả năng tàng hình chưa từng có để khiến chiến đấu cơ của chương trình này vô hình trước radar, vũ khí laser và trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) trong bộ điều khiển để xử lý khối lượng dữ từ công nghệ cảm biến mới nhất.
Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, ngân sách phát triển 28,5 tỷ USD dành cho NGAD trong 5 năm tới, kết thúc vào năm 2029, có nguy cơ phải dàn trải trong thời gian dài hơn hoặc thậm chí thu hẹp ngân sách trong bối cảnh Lầu Năm Góc tìm giải pháp tiết kiệm chi phí.
Bộ trưởng Không quân Frank Kendall ngày 20/7 cho biết, NGAD được hình thành trước khi các mối đe dọa trở nên nghiêm trọng, trước chương trình thiết bị bay không người lái CCA và "trước khi chúng tôi gặp phải một số vấn đề về khả năng chi trả".
Mặc dù không rõ tổng chi phí của NGAD là bao nhiêu nhưng cuối cùng nó có thể cán mốc hơn 100 tỷ USD nếu 200 chiến đấu cơ được sản xuất, bao gồm chi phí ban đầu, cộng với bảo trì và nâng cấp theo thời gian. Hiện có 185 tiêm kích F-22 đang hoạt động, đây là những chiến đấu cơ dự kiến được thay thế bởi NGAD.
Không quân Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng chi phí thực tế vượt mức trong một số chương trình quan trọng và tốn kém. Ví dụ, chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sentinel được hình thành để thay thế tên lửa Minuteman III, đã tăng vượt ngân sách 81%, lên khoảng 141 tỷ USD.
Áp lực ngân sách đã buộc Không quân Mỹ phải đánh giá lại ưu tiên chi tiêu của mình cho các nỗ lực hiện đại hóa khác nhau, bao gồm cả việc tăng cường sản xuất máy bay ném bom B-21 mới do Northrop Grumman sản xuất.