Phần Lan từ lâu đã được tích hợp vào cơ sở hạ tầng quân sự của NATO, nhưng với việc chính thức gia nhập liên minh ngày 4/4, nước này nhận được các đảm bảo pháp lý theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Ngoài ra, biên giới giữa Nga và NATO gần như tăng gấp đôi. Trong tương lai gần, một lực lượng quân sự chung có thể hiện diện trên lãnh thổ Phần Lan và Mỹ có thể tiếp cận toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của quốc gia Bắc Âu này.
Đó là nhận định của ông Nikita Lipunov, nhà phân tích tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva (Đại học MGIMO) Nga với hãng thông tấn RIA Novosti ngày 4/4.
"Điều quan trọng nhất thay đổi là hiệu lực của Điều 5 về phòng thủ tập thể: một cuộc tấn công vào Phần Lan sẽ được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ khối. Từ quan điểm kỹ thuật quân sự, biên giới của chúng tôi với NATO sẽ tăng gần gấp đôi", chuyên gia Lipunov nói.
Theo vị chuyên gia Nga trên, với việc Phần Lan gia nhập NATO, Mỹ sẽ có quyền tiếp cận đầy đủ hơn với cơ sở hạ tầng quân sự của nước này, tương tự như các sân bay quân sự ở Na Uy, và có thể Mỹ sẽ trực tiếp sử dụng các cơ sở quân sự của Phần Lan.
Đồng thời, ông Nikita Lipunov cho biết trong 10 năm qua, Phần Lan và Thụy Điển đã từng bước tham gia vào tất cả các hoạt động của liên minh NATO: cả hai nước tiếp tục tham gia các cuộc tập trận chung với tư cách là một quốc gia không thuộc NATO và cũng có tư cách là đối tác đặc biệt bên ngoài NATO.
Chuyên gia trên đặc biệt lưu ý: "Biển Baltic thực sự đang trở thành một vùng biển nội bộ đối với NATO. Dù Thụy Điển đang gặp khó khăn, nhưng tôi nghĩ đó là vấn đề thời gian. Và đối với Nga, việc Phần Lan gia nhập NATO nhạy cảm hơn Thụy Điển, vì chúng tôi là những nước láng giềng”.
Theo nhà phân tích Nikita Lipunov, việc Phần Lan gia nhập NATO mà không có hạn chế, bảo lưu hoặc ngoại lệ, nghĩa là nước này có thể đảm nhận mọi nghĩa vụ, nhưng khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này là nhỏ.
"Nguy cơ xuất hiện vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Phần Lan, mặc dù không thể loại trừ, nhưng là cực kỳ nhỏ. NATO đã theo đuổi chính sách thận trọng theo hướng này trong những tháng trước, vì vậy tôi không nghĩ có việc triển khai vũ khí hạt nhân ở đó”, chuyên gia Lipunov bình luận.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Soigu cũng đã bình luận về tác động của việc Phần Lan trở thành thành viên NATO, cho rằng việc Phần Lan gia nhập NATO và việc NATO sẵn sàng tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của chính mình làm tăng nguy cơ xung đột.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cho biết việc Phần Lan gia nhập sẽ tăng cường cả khả năng phòng thủ của NATO và an ninh của Phần Lan.
Về phần mình, Claus Lindroos tại phái bộ đặc biệt của Phần Lan tại NATO ở Brussels cho biết: "Buổi lễ của NATO vào buổi chiều có thời lượng khá ngắn nhưng về bản chất rất có giá trị", lưu ý rằng tiến độ nhanh chóng đáng ngạc nhiên của Phần Lan trong quá trình trở thành thành viên đầy đủ cho thấy thành viên NATO đánh giá cao năng lực và tính xây dựng của Phần Lan.