Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO ngày 4/4, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu trong một động thái mang tính lịch sử, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và có thể tăng cường năng lực phòng thủ của NATO ở châu Âu.
Sự thay đổi chiến lược của Helsinki, chấm dứt nhiều thập kỷ không liên kết quân sự, đã tăng gấp đôi chiều dài biên giới Nga với các nước thành viên NATO, khiến Điện Kremlin cảnh báo về “những biện pháp đối phó”.
Mặc dù Moskva không nó rõ những biện pháp đối phó là gì, nhưng Bộ Trưởng Quốc phòng Nga ngày 4/4 cho biết các máy bay chiến đấu của Belerus đã được nâng cấp để có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga, trong khi Moskva thông báo có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở quốc gia láng giềng này.
Giới phân tích cho rằng Nga sẽ phản ứng với việc Phần Lan gia nhập NATO bằng cách triển khai thêm vũ khí hạt nhân ở Bắc Cực, phía Đông Phần Lan. Đặc biệt Moskva sẽ coi sự kiện này là mối đe dọa đối với bán đảo Kola, nơi các căn cứ quân sự của Nga tập trung nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới.
Bán đảo Kola, nằm ở phía Đông Phần Lan, có thành phố Murmansk, nơi đóng quân của Hạm đội phương Bắc của Nga với các tàu ngầm có năng lực hạt nhân. Tháng 10/2022, báo cáo của Na Uy cho biết Nga đã triển khai máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân đến bán đảo Kola. Các hình ảnh vệ tinh sau đó cũng xác nhận sự gia tăng số lượng máy bay ném bom đồn trú trong khu vực.
Nhà ngoại giao Phần Lan Heli Hautala và Nicholas Lokker, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mới của Mỹ, nhận định sau khi Phần Lan gia nhập NATO, Nga sẽ coi sườn Tây Bắc của họ là nơi dễ bị tổn thương. Các chuyên gia mô tả khu vực này có "tầm quan trọng trung tâm" đối với an ninh quốc gia của Nga.
"Vũ khí hạt nhân sẽ chiếm vị trí nổi bật hơn trong chiến lược của Nga, một phần vì cuộc xung đột ở Ukraine. Khi Nga tìm cách đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng ở Bắc Âu trong bối cảnh quân đội của họ vẫn phải giao tranh ở những nơi khác (Ukraine), Moskva có khả năng tăng gấp đôi cảnh báo hạt nhân trong khu vực để răn đe", nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích trên cho biết.
Theo họ, bất kỳ cơ sở hạ tầng mới nào của NATO ở Phần Lan - chẳng hạn như sân bay được nâng cấp, cơ sở tình báo hoặc nghiêm trọng nhất là vũ khí hạt nhân - sẽ chỉ tăng cường "sự quyết đoán của Nga".
Ngoài việc mở rộng đến gần Bán đảo Kola, biên giới của NATO với Phần Lan là thành viên giờ đây còn tiến gần đến thành phố lớn thứ hai của Nga là St. Petersburg. Việc mở rộng này cũng có thể được coi là mối đe dọa đối với các cuộc tập trận hải quân của Nga ở Biển Baltic.
Bên cạnh đó, từ quan điểm quân sự, nó sẽ cho phép tăng cường sức mạnh ở sườn phía Bắc của NATO và sẵn sàng bảo vệ các quốc gia vùng Baltic (nới các thành viên NATO là Estonia, Latvia và Litva), các chuyên gia lưu ý.