Saudi Arabia đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào các nước láng giềng địch thủ.Lực lượng vũ trang Hoàng gia Saudi Arabia đã kết thúc một cuộc tập trận lớn chưa từng có trong lịch sử nước này vào ngày 29/4 vừa qua. Cuộc diễn tập mang tên "Thanh kiếm của Abdullah" với sự tham gia của 130.000 lính bộ binh, hải quân, lính thủy đánh bộ, không quân và phi công và các loại tên lửa ở ba khu vực.
Với số lượng trên, cuộc diễn tập đã có sự tham gia của hơn một nửa tổng số nhân viên quân sự của nước này. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tập trận này là nhằm gửi một thông điệp không chỉ với Iran mà còn tới một số quốc gia khác.
Trực thăng Blackhawk và OH-58 trong cuộc diễn tập. Ảnh: Al Riyadh |
Trên mặt trận phía bắc, Saudi Arabia mô phỏng một cuộc giao tranh với Iraq. Khu vực phía nam diễn ra một trận chiến giả định với các chiến binh Shi'a từ Yemen. Ở phía đông, đó là một tình huống chiến tranh với Iran.
Nội dung của cuộc diễn tập bao gồm các cuộc tấn công đổ bộ quy mô lớn có sự tham gia của các máy bay trực thăng Blackhawk cùng lực lượng đặc nhiệm trong khi các trực thăng tấn công và trinh sát AH-64 và OH-58 yểm trợ từ trên cao. Trong giai đoạn tiếp theo, các tàu đổ bộ dân sự, xe bọc thép lội nước và các đơn vị hải quân phối hợp với các lực lượng hoạt động đặc biệt thực hiện bài tập theo kế hoạch.
Việc luyện tập tấn công trên biển và trên không của quân đội Saudi Arabia có một mục đích rõ ràng. Iran hiện đang sử dụng ba hòn đảo chiến lược ở eo biển Hormuz làm căn cứ triển khai hệ thống pháo binh, tên lửa hành trình và tàu tốc độ cao để có thể chặn eo biển chiến lược, trong trường hợp có xung đột.
Nếu chiến tranh nổ ra, các quốc gia Arập vùng Vịnh sẽ cần phải kiểm soát những hòn đảo này hoặc phá hủy chúng.
Trong một cuộc diễu hành gần đây, Lực lượng chiến lược Hoàng gia Saudi Arabia đã lần đầu tiên cho ra mắt tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong - 3 (DF-3) của họ. Saudi Arabia được cho là đã mua tên lửa DF-3 với đầu đạn thông thường từ Trung Quốc vào năm 1987.
Tên lửa DF-3 trong buổi diễu hành. Ảnh: Al Riyadh |
DF- 3 có tầm bắn tối đa 3.350 km và có thể vươn tới mục tiêu là những hầm ngầm chứa tên lửa của Tehran nếu bắn từ miền trung Saudi Arabia. Lực lượng chiến lược của Riyadh được cho là đã bắt đầu thay thế DF -3 bằng các tên lửa được nâng cấp DF -11 hoặc DF -15 từ năm 2003.
Với việc "khoe" tên lửa này, Saudi Arabia muốn nhắc nhở Iran rằng họ có thể tấn công các căn cứ hải đảo cũng như các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Iran... mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ hoặc các đồng minh khác.
Những cuộc tập trận và diễu hành “khiêu khích” của Saudi Arabia là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng ngày càng tăng giữa Tehran và Riyadh. Sau các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran năm 2013, đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ đã bình luận trên tờ New York Times rằng nước này sẽ đối đầu với Iran mà không cần hỗ trợ của Mỹ.
Vương quốc này mới đây cũng đã mở hầu bao thể hiện sự hoành tráng của mình thông qua việc ký một thỏa thuận với Mỹ mua hơn 2.600 quả tên lửa hành trình AGM- 158, AGM- 84K và bom cỡ nhỏ GBU -39.
Đầu năm 2014, Vua Abdullah của Saudi Arabia cũng đã ra lệnh thực hiện một cuộc cải cách lớn trong giới lãnh đạo quân đội nói chung và lực lượng tình báo nói riêng, bổ nhiệm một bộ trưởng quốc phòng mới và thay thế người đứng đầu tình báo cũ là Hoàng tử Bandar bin Sultan bằng vị tướng trẻ Youssef Al Idrisi.
Hiện quân đội Saudi Arabia được cho là một trong những quân đội mạnh hàng đầu khu vực với một lực lượng không quân có khả năng đặc biệt. Những chiến đấu cơ F-15 và Typhoon của vương quốc này có thể tấn công tên lửa hành trình từ bên ngoài phạm vi phòng thủ của Iran.
Máy bay chiến đấu F-15 và Typhoon của Saudi Arabia. |
Nhưng về mặt lý thuyết, hệ thống phòng không của Iran có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình nếu chúng xâm nhập vào khu vực phòng thủ. Tehran đã có thời gian dài để phát triển hệ thống radar cảnh báo sớm, pháo phòng không và tên lửa đất đối không đặc biệt để đối phó với tên lửa hành trình của phương Tây.
Không giống như Mỹ, Saudi Arabia không có vũ khí và kỹ năng để chế áp một mạng lưới phòng không. Riyadh đã không đầu tư vào các máy bay tàng hình và máy bay trinh sát tầm cao để phát hiện radar và trận địa tên lửa, hay máy bay gây nhiễu để chế áp hệ thống radar của đối phương.
Để chống lại một đòn phản công từ Iran, Saudi Arabia dựa vào hệ thống tên lửa Crotale đã lỗi thời của Pháp và tên lửa đối không Hawk của Mỹ cộng với một số lượng nhỏ tên lửa Patriot hiện đại. Nói một cách công bằng, thế trận quân sự của Saudi Arabia là mạnh về tấn công hơn phòng thủ.
Hiện chỉ có tên lửa Patriot là có khả năng chặn được tên lửa đạn đạo của Iran. Nhưng những tên lửa này của Riyadh lại là thế hệ cũ. Chúng không có kết nối vệ tinh, radar trên biển hoặc radar tầm xa trên mặt đất. Vì không có khả năng nhận biết tình huống, hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia sẽ dễ dàng bị đánh lừa bởi các hệ thống nghi binh.
Riyadh có lẽ đã thấy được sự hạn chế về khả năng phòng thủ, đặc biệt là trong việc bảo vệ các cơ sở kinh tế trọng yếu của mình. Ví dụ, năm 2006, một vụ nổ cách nhà máy lọc dầu quan trọng Abqaiq, vốn xử lý 70% dầu thô của nước này vài km, đã khiến giá dầu tăng 2 USD/thùng. Nhà máy lọc dầu trên cách Iran chưa đến 300km, nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo và hành trình của Iran, nhưng chỉ có một hệ thống Patriot duy nhất bảo vệ. Một mỏ dầu lớn khác của Saudi Arabia là Ghawar, cách Iran 100km cũng rất dễ bị tổn thương.
Mặc dù có điểm yếu rất lớn trong phòng thủ, nhưng Riyadh lại đầu tư rất lớn vào “trò chơi chiến tranh khổng lồ”, mục đích nhằm kiềm chế Iran. Câu hỏi đặt ra là liệu Iran sẽ phản ứng bằng cách làm dịu căng thẳng hay sẽ phản công, đẩy hai nước vào một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Công Thuận (I.S.S)