Trong những năm qua, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu tại Bắc Cực. Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Đan Mạch Lars Findsen ngày 29/11 cho rằng nghiên cứu thám hiểm của Trung Quốc tại Bắc Cực không chỉ vì khoa học mà còn có mục đích khác.
Ông Lars Findsen nói: “Chúng tôi đã quan sát hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực và nhận thấy quân đội Trung Quốc đang ngày càng thể hiện rõ ý muốn tham gia vào hoạt động này”.
Ông Findsen không nêu chi tiết chương trình nghiên cứu liên quan đến quân đội Trung Quốc nhưng nhận xét rằng những năm gần đây cho thấy dấu hiệu “phát triển mới”.
Cơ quan tình báo Đan Mạch đánh giá: “Dường như việc Trung Quốc đầu tư thu thập thêm thông tin về Bắc Cực và khả năng hoạt động tại đây sẽ góp phần tăng cường yếu tố quân đội và dân sự trong thời gian tới”.
Trung Quốc tự nhận là “quốc gia gần Bắc Cực” và có tham vọng tiếp cận nhiều hơn nguồn tài nguyên còn ẩn mình ở khu vực này cũng như thương mại nhanh chóng qua tuyến đường Biển Bắc. Năm 2017, Bắc Kinh tự coi tuyến đường biển Bắc Cực nằm trong “Sáng kiến Vành đai, Con đường”.
Cuộc tranh cãi về vấn đề ấm lên toàn cầu và việc khai thác khoáng sản ở Bắc Cực đã công khai từ tháng 5 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc hành vi của Nga tại khu vực này là “hung hăng” và cho rằng cần theo dõi sát sao động thái của Trung Quốc.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn đánh giá của Cơ quan tình báo quốc phòng Đan Mạch: “Một cuộc chơi quyền lực đang hình thành giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng tại Bắc Cực”.
Ngoài ra, cơ quan tình báo Đan Mạch còn cho rằng chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ công bố trong tháng 6 năm nay cùng phát biểu của các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã góp phần gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ngỏ ý muốn mua Greenland từ Đan Mạch. Chính phủ Đan Mạch và giới chức tại Greenland đã phản đối ý kiến này.