Hệ thống phòng chống tên lửa đạn đạo Aegis. Ảnh: Reuters |
Nhiều chuyên gia tin rằng động cơ ẩn sau việc Nhật Bản triển khai lắp đặt những loại vũ khí chết người đó là còn để theo dõi Nga và Trung Quốc.
Trước đó, Nhật Bản nhấn mạnh quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này thông qua việc triển khai hai đơn vị tên lửa Aegis Ashore là nhằm đối phó trước “mối đe dọa khẩn cấp” từ Bình Nhưỡng. Sau khi đạt được thỏa thuận buôn bán giữa hai nước trong tháng 12/2017, Tokyo sẽ chi 2 tỷ USD để sở hữu hai hệ thống Aegis Ashore của Hải quân Mỹ trong 5 năm tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tuyên bố Nhật Bản có thể sử dụng hệ thống Aegis Ashore này không chỉ đối phó với các tên lửa đạn đạo, mà còn đánh chặn nhiều loại vụ khí khác như tên lửa hành trình đang dội tới.
Theo Jeff Kingston – Giám đốc Khoa châu Á trường Đại học Temple ở Nhật Bản, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản có thể nhằm vào Nga và Trung Quốc: “Hiển nhiên mối đe dọa khẩn từ Triều Tiên là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản có quyết định trên song việc triển khai hệ thống đó còn liên quan đến Nga và Trung Quốc”.
Trong khi đó, Gregory Clark – một cựu nhân viên ngoại giao và chuyên gia quan hệ an ninh quốc tế Australia lại nhận định Tokyo đang lợi dụng căng thẳng trong khu vực để lấy cớ cho bước đi tăng cường quân sự nước mình.
“Tất nhiên, Nhật Bản sẽ nói hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ được lắp đặt để đối phó với Triều Tiên, trong khi mọi người đều biết cơ hội Triều Tiên tấn công Nhật Bản là rất nhỏ”.
Chuyên gia Clark giải thích Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cần lấy những căng thẳng khu vực để làm cái cớ để tăng cường năng lượng quân sự Nhật Bản cũng như mở rộng vai trò của nước này trên đấu trường quốc tế. Chính sách đó sẽ biến Nhật Bản trở thành cánh tay của Mỹ, trở thành một người ủng hộ tích cực trong chiến thuật quân sự Mỹ trong và ngoài khu vực.
“Trùng hợp ở chỗ, Thủ tướng Abe lại có chuyến thăm hoàn toàn không cần thiết tới các quốc gia vùng Baltic để bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với chính sách Mỹ và NATO tại châu Âu”, ông Clark cho biết thêm.
Hơn thế nữa, việc triển khai hệ thống Aegis Ashore tại Nhật Bản có thể đẩy Moskva tiến lại gần trong việc hợp tác với Bắc Kinh cụ thể trong việc đối phó với sức ép từ Mỹ và đồng minh, đồng thời có thể đặt dấu chấm hết cho các cuộc đàm phán Nga-Nhật về quần đảo Kuril tranh chấp.
Ngày 15/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng hệ thống triển khai tại Nhật Bản có thể được sử dụng cho mục đích tấn công dưới sự kiểm soát hoàn toàn từ phía Mỹ. “Theo như những gì chúng tôi được biết thì Nhật Bản tuyên bố sẽ điều khiến hệ thống này, và Mỹ sẽ không làm gì hết, nhưng chúng tôi thực sự nghiêm túc nghi ngờ về độ xác thực của tuyên bố này”.
Phát ngôn của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra ngay sau khi có một tờ báo Nhật Bản trích lời một quan chức quốc phòng giấu tên đưa tin hệ thống phòng thủ tên lửa mới này đặc biệt được thiết kế để đối phó với Nga và nằm trong chiến lược của Washington ngăn chặn Moskva.
Bên cạnh tác dụng phòng thủ, giới phân tích còn cho rằng các hệ thống mới này có thể được Mỹ và đồng minh sử dụng tiến hành tấn công phủ đầu.
Tiến sĩ Joseph Gerson – Chủ tịch Chiến dịch vì Hòa bình, Không vũ trang và An ninh chung cảnh báo việc triển khai hệ thống Aegis Ashore sẽ đánh dấu một bước tiến khác trong cuộc chạy đua vũ trang khu vực, từ đó khiến căng thẳng leo thang và đẩy các quốc gia trong khu vực đến sát bờ vực “chiến tranh thảm khốc”.
Được phát triển từ hệ thống chống tên lửa đạn đạo hải quân, Aegis Ashore phóng tên lửa đánh chặn qua hệ thống phóng thẳng Mk 41 VLS. Đây là hệ thống mà Hải quân Mỹ sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.
Nếu như được triển khai lắp đặt tại Nhật Bản, tầm phóng của những hệ thống này sẽ bao trùm gần như toàn bộ khu vực bờ biển phát triển của Trung Quốc, cũng như vùng Sakhalin và Primorsky Kray của Nga.