Điều khiển từ xa-hình thức chiến tranh mới

Một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế giới là bảo đảm an ninh thông qua điều khiển từ xa, tập trung vào việc sử dụng những phương tiện bay không người lái. Trên thực tế, nó đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm và chiến lược quân sự. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng định hình những cuộc xung đột tương lai, thì cũng có nhiều khía cạnh cho thấy sẽ rất nguy hiểm nếu xem đây là một phương thuốc “chữa được bách bệnh”.

Nguồn gốc chính trị

Khi George W. Bush trở thành Tổng thống Mỹ năm 2001, ông đã bổ nhiệm hai vị trí quan trọng trong Lầu Năm Góc, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Thứ trưởng Paul Wolfowitz. Cả hai nhân vật này đều cho rằng nước Mỹ có thể tái khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của mình mà không cần triển khai quân đội ở nước ngoài trên phạm vi rộng. Giải pháp trên, cũng được biết đến với cái tên là “War Lite”, dựa trên quan điểm cho rằng ưu thế của quân đội Mỹ có nghĩa là không cần phải triển khai nhiều quân trên phạm vi rộng, nhằm đề cao tầm quan trọng của hệ thống vũ khí điều khiển từ xa, những lực lượng đặc biệt và lực lượng hải quân viễn chinh.

Liệu máy bay không người lái có thay đổi cục diện chiến tranh trong tương lai?

Sau sự kiện 11/9, chính quyền Tổng thống Bush đã sử dụng vũ lực để đáp trả những mối đe dọa do chủ nghĩa khủng bố đặt ra, loại bỏ chế độ Taliban ở Afghanistan và tuyên bố một “cuộc chiến chống khủng bố” trên phạm vi toàn thế giới. Đây chính là sự theo đuổi chính sách của Rumsfeld; tập trung sử dụng sức mạnh trên không cường độ cao và những lực lượng đặc biệt. Tuy nhiên, sự phát triển của cuộc chiến chống khủng bố đã chứng minh một điều rằng có sự khác biệt rất lớn. Ở cả Afghanistan và Iraq, tình trạng nổi loạn ngày càng tăng đã buộc Mỹ phải triển khai một số lượng lớn binh sĩ tới đây.

Trong khi hầu hết binh lính Mỹ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, thì tổng chi phí cho hai cuộc chiến - bao gồm cả chi phí phát sinh trong cuộc chiến chống lại al-Qaeda ở Somalia và Yemen - sẽ vào khoảng 4.000 tỷ USD. Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, chiến tranh rõ ràng không được hoan nghênh và do đó, một trong những tác động từ hậu quả của chiến tranh ở Afghanistan và Iraq là sự cần thiết phải thay đổi về quan điểm sử dụng lực lượng quân sự nhằm duy trì an ninh thế giới của Mỹ.

Nguồn gốc công nghệ

Sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ quân sự, nhất là việc cho ra đời máy bay không người lái có vũ trang, đang là giải pháp cho vấn đề trên. Công nghệ này được phát triển dựa trên kinh nghiệm thu được từ những phương tiện trinh sát điều khiển từ xa vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) có thể được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác cao, ví dụ như tên lửa Hellfire. Sự phát triển của UCAV đã có những tác động sâu sắc đến nền quân sự thế giới.

Mỹ đã cho thấy những UCAV được vũ trang có tác dụng to lớn trong việc tiêu diệt các mục tiêu của al-Qaeda và các phiến quân nổi dậy ở tây bắc Pakistan, Afghanistan, Yemen và Somalia. Các công nghệ này được cả quân đội và CIA quan tâm phát triển và nhận được sự ủng hộ do độ chính xác cao và ít rủi do trong quá trình hoạt động.

Việc sử dụng UCAV ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của những đơn vị không quân tác chiến viễn chinh. Lực lượng đặc biệt thường sử dụng công nghệ không người lái để tiến hành các hoạt động bí mật như do thám, trinh sát. Ngoài ra, các công ty quân sự và an ninh tư nhân (PMSC) của Mỹ cũng tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động quân sự (Mỹ mới triển khai 20.000 nhân viên thuộc các công ty tư nhân tới Afghanistan).

Việc sử dụng UCAV trong chiến tranh được xem là có chi phí rẻ hơn.


Một sự phát triển hơn nữa là sự gia tăng những cơ quan tình báo quốc phòng khi Lầu Năm Góc mới công bố một kế hoạch tăng gấp đôi số lượng các cơ quan hoạt động ở nước ngoài. Cùng với sự phối kết hợp của các UCAV được vũ trang, lực lượng đặc biệt và PMSC đang tạo nên một hình thức mới để tiến hành chiến tranh, thường được xem là có chí phí rẻ hơn và ít phải chịu trách nhiệm hơn trong việc duy trì an ninh.

Mô hình được chào đón?

Hình thức chiến tranh mới này của Mỹ (trong đó có việc sử dụng UCAV), có thể gây ra nhiều tranh cãi vì một số lý do. Thứ nhất là tính pháp lý về những mục tiêu bị tiêu diệt. Thứ hai là chất lượng của thông tin tình báo sẽ quyết định những mục tiêu trên thực tế. Ví dụ, sai sót về tinh tức tình báo sẽ dẫn đến hậu quả nhiều thường dân bị giết hại, thực tế đã được chứng minh tại các ngôi làng Pakistan bị tên lửa của UCAV đánh trúng. Thứ ba, khi sử dụng UCAV sẽ không gây nguy hiểm cho phi công khiến cho việc sử dụng UCAV ngay ban đầu cuộc xung đột có sức hút rất lớn. Cuối cùng, thương vong của người dân và sự xâm phạm chủ quyền ở Pakistan đã dẫn tới những phản đối của dư luận đối với việc sử dụng UCAV và làm tăng thái độ chống Mỹ.

Tuy nhiên, triển vọng về một cuộc chiến tranh tấn công từ xa vẫn tiếp tục được phát triển và nhiều nước đang nhanh chóng phát triển những hệ thống vũ khí tương tự. Nga, Trung Quốc và Iran đang chuyển từ việc phát triển công máy bay sang công nghệ máy bay không người lái.

Tháng 10/2012, lực lượng Hezbolla hoạt động tại Lebanon đã phóng một UCAV ở phía nam nước này. Sau khi chiếc UCAV này bay tới phía Đông Địa Trung Hải, nó hướng vào miền nam Israel và bị lực lượng phòng không Israel chặn lại. Đó là vụ thâm nhập sâu nhất vào trong không phận Israel của một UCAV do Hazbolla sở hữu và gây quan ngại cho quân đội Israel khi chỉ ra một xu hướng tiềm năng đáng lo ngại trong tương lai.

Trong ngắn hạn, có một quan điểm chung trong các nước Mỹ, Anh và Pháp rằng chiến tranh điều khiển từ xa là một sự phát triển quan trọng và được trông đợi sau một thập kỷ của những khó khăn lớn lao liên quan tới “cuộc chiến chống khủng bố”. Nhưng có một vấn đề đặt ra, đó là khi các quốc gia khác nhận thấy những lợi thế của UCAV cũng phát triển theo hướng này thì hậu quả sẽ thế nào?

Hiện nay không có một quy trình kiểm soát vũ khí nào được đưa ra để kiểm soát đối với những hệ thống vũ khí mới. Hầu như không có cách nào kiểm soát các lực lượng đặc biệt hay các công ty quân sự và an ninh tư nhân sử dụng UCAV. Vụ việc gần đây của Israel có thể là một lời cảnh báo rằng chiến tranh điều kiển từ xa có thể có những nhân tố có lợi cho các phong trào bán quân sự và các quốc gia yếu hơn trong những cuộc chiến phi đối xứng.


Công Thuận (Theo R.C.D)
Su-30 - đối thủ đáng gờm của máy bay chiến đấu Mỹ
Su-30 - đối thủ đáng gờm của máy bay chiến đấu Mỹ

Xét một số tính năng đặc biệt của Su-30 Nga thì F-22 vẫn không thể sánh kịp. Những tính năng này giúp Su-30 trở nên cực kỳ nguy hiểm trước mọi loại máy bay của phương Tây, nhất là khi cận chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN