Theo hãng tin Reuters (Anh), Đức hiện không có bất kỳ sư đoàn sẵn sàng chiến đấu nào, những sư đoàn này thường yêu cầu quy mô trên 20.000 quân. Quân đội Đức đặt mục tiêu xây dựng 3 sư đoàn như vậy, trong đó sư đoàn đầu tiên sẽ hoạt động vào năm 2025, sư đoàn thứ 2 sẽ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vào năm 2027.
“Tôi rất lạc quan rằng chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu này vào năm 2025”, Tướng Mais nói trong cuộc phỏng vấn ngày 17/7. Ông cho biết sư đoàn đầu tiên sẽ được biên chế 80 - 90% nhân sự cần thiết và kế hoạch đã được thống nhất với NATO.
Tướng Mais cũng cho biết trước tiên, Đức sẽ điều động 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới cho sư đoàn mới. Sau đó, Berlin sẽ bổ sung một lữ đoàn trang bị nhẹ hơn. Ngoài ra, một lữ đoàn của quân đội Hà Lan sẽ tham gia sư đoàn. Mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 quân.
“Điều này sẽ giúp xây dựng sư đoàn được trang bị tốt nhất trong số tất cả thành viên NATO tại châu Âu vào năm 2025. Ít nhất đây là mục tiêu chung của chúng tôi với các đối tác Hà Lan”, Tướng Mais khẳng định.
Sư đoàn là đơn vị quan trọng của lục quân và mô hình này rất cần thiết để đối phó với đối thủ ngang hàng khi một cuộc xung đột nổ ra. Quân đội châu Âu từng từ bỏ mô hình sư đoàn, chuyển sang xây dựng các lữ đoàn tinh gọn hơn nhằm đối phó với những cuộc chiến quy mô nhỏ hơn ở Iraq và Afghanistan.
Sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, các nước phương Tây đang gấp rút tái xây dựng và trang bị các sư đoàn khi cuộc chiến ở Ukraine cho thấy một cuộc xung đột quy mô lớn vẫn có thể xảy ra ở châu Âu.
Ông Mais cho biết Đức có tham vọng cung cấp đủ đạn dược cho đơn vị cấp sư đoàn vào năm 2025, vào thời điểm các nước phương Tây đang viện trợ lượng lớn đạn pháo cho Ukraine, khiến nguồn dự trữ cạn nghiêm trọng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
“Nếu chúng tôi vội vàng chuyển đạn dược tới Ukraine, chúng tôi không còn dự trữ tới khi có đơn đặt hàng mới”, ông Mais giải thích.
Tư lệnh Lục quân Đức cho biết đây cũng là vấn đề mà tất cả các nước NATO đang phải đối mặt. “Nhưng hỗ trợ Ukraine lúc này quan trọng hơn việc thành lập một sư đoàn, như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh”, ông nói.
Đối với sư đoàn thứ 2 của Đức, ông Mais cho biết việc trang bị đầy đủ cho sư đoàn này phụ thuộc rất nhiều vào các khoản mua sắm từ quỹ 107 tỷ USD cải tổ quân đội.
Hồi tháng 2/2022, khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gây bất ngờ cho thế giới và dư luận trong nước khi công bố kế hoạch trị giá 107 tỷ USD nhằm tái vũ trang Quân đội Đức, gửi vũ khí cho Kiev và chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga. Đây là bước ngoặt chính sách đối ngoại lớn nhất của Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh và được ông Scholz gọi là “Zeitenwende”.