Nguồn tin trên dẫn lời một quan chức Đức cho biết, một vấn đề cơ bản ở châu Âu là ngành công nghiệp quốc phòng không có khả năng sản xuất vũ khí, trang thiết bị ở mức cần thiết trong một cuộc xung đột vũ trang toàn diện.
Theo Jiří Hynek, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và An ninh Séc, châu Âu “rất khó” để tăng sản lượng sản xuất đạn pháo trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu nguyên liệu thô. Ông Hynek cho rằng không có nhà sản xuất lớn nguyên liệu thô nào họ cần ở châu Âu và sẽ mất khoảng ba năm để tăng sản lượng thuốc súng.
Người phát ngôn của nhà sản xuất đạn 155mm Explosia ở Séc cũng cho biết các nhà máy của công ty hiện đang hoạt động hết công suất và không thể tăng sản lượng sớm nhất cho đến năm 2026.
Antonio Caro, Giám đốc điều hành của FMG, công ty sản xuất đạn 155 mm, cho biết tình trạng thiếu thuốc nổ đã khiến giá của chúng tăng gấp đôi, thậm chí có trường hợp tăng gấp ba lần. Tăng giá nguyên liệu dẫn đến tăng giá đạn dược. Theo ông, hiện nay một quả đạn pháo thông thường có giá 850 euro, cao hơn 20% so với trước khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
Cùng ngày, Ukraine đã công bố các gói viện trợ quân sự mới, bao gồm đạn dược, từ Đức, Đan Mạch, Canada, Pháp và Estonia. Trước đó vào ngày 8/3, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU đã nhất trí về sự cần thiết phải cung cấp ngay cho Ukraine đạn pháo từ kho dự trữ còn lại trong kho ở châu Âu.