Đội tàu gồm tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain CG-57 (ảnh), hai tàu khu trục USS Wayne E. Meye, USS Michael Murphy sẽ được điều tới Biển Đông.
|
Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, viết tắt là FONOPS, có thể do các tàu tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện. Theo ba quan chức quốc phòng Mỹ, đội tàu hiện đang ở Thái Bình Dương sẽ hướng tới
Biển Đông.
Kế hoạch của Hải quân Mỹ được cho là sẽ đưa các tàu xâm nhập khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trên Biển Đông. Đây sẽ là động thái thách thức những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, từng gây ra căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vừa qua.
Kế hoạch này sẽ phải được trình lên và được tân chủ nhân Nhà Trắng phê chuẩn, đặt nền móng cho chính sách châu Á của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington cho hay bà nghi ngờ về khả năng buộc Trung Quốc rút khỏi các đảo nhân tạo mới được xây dựng (phi pháp) ở Trường Sa. Tuy nhiên, bà nói rằng “Mỹ có thể phát triển chiến lược nhằm mục tiêu ngăn chặn bồi đắp thêm đảo, quân sự hoá cũng như ngăn chặn Trung Quốc sử dụng những tiền đồn mới để đe doạ và ép buộc các nước láng giềng”.
Thông tin về kế hoạch của quân đội Mỹ trùng khớp với các báo cáo được báo chí Nhật Bản dẫn lại nói rằng tại các cuộc họp kín trong chuyến thăm châu Á gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đảm bảo với các quan chức Nhật Bản rằng quân đội Mỹ đang lên kế hoạch áp sát Trung Quốc quyết liệt ở Biển Đông.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".