“Chúng ta không thể phụ thuộc vào Hạm đội số 7 ở Nhật Bản. Chúng ta cần lập hạm đội đánh số mới”, tạp chí USNI News dẫn phát biểu của Bộ trưởng Braithwaite tại hội nghị chuyên đề thường niên của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân ngày 17/11.
Năm 2018, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM) đã đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay gọi là Indo-Pacom (USINDOPACOM). Hiện tại, Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ hoạt động ngoài khơi Nhật Bản, phụ trách vùng biển rộng lớn đến tận biên giới Ấn Độ - Pakistan. Các nhà phân tích đánh giá việc lập hạm đội mới trong khu vực sẽ đem đến những giá trị rõ ràng.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ tích cực mở rộng sức mạnh tàu chiến và tàu ngầm. Ông Braithwaite nói: “Chúng ta phải nhờ cậy vào các đồng minh và đối tác như Singapore, Ấn Độ. Và nếu điều một hạm đội đánh số mới đến khu vực cần thiết, chúng ta sẽ có thể tham gia bất kỳ cuộc xung đột nào. Quan trọng hơn, điều này sẽ đem đến sự răn đe mạnh gấp nhiều lần”.
Trong tuyên bố ngắn gọn, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết theo thỏa thuận năm 2012 với Mỹ, họ đồng ý để Washington triển khai tối đa bốn tàu tuần duyên (LCS) đến Singapore trên cơ sở luân phiên. Tuyên bố nêu rõ: “Nước này sẽ duy trì thỏa thuận hiện hành và sẽ không có đề nghị cũng như thảo luận với Bộ Quốc phòng Mỹ về việc triển khai thêm tàu chiến đến Singapore”.
Ông Braithwaite, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân Mỹ vào tháng 5 vừa qua, cho biết sẽ công du Ấn Độ trong vài tuần tới để thảo luận về các thách thức an ninh.
Trong phát biểu vào ngày 17/11, ông Braithwaite cho biết nhóm tàu sân bay tấn công Nimitz của Mỹ sẽ tham gia giai đoạn 2 của cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar tại khu vực phía bắc biển Arab cùng với hải quân các nước Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Sau những đụng độ với Trung Quốc tại khu vực biên giới Himalaya, Ấn Độ đã tiến gần hơn trong quan hệ với Mỹ và đã thành công trong việc đạt được bốn thỏa thuận quân sự mang tính nền tảng giữa hai nước. Thỏa thuận gần đây nhất hai nước vừa ký kết mang tên Thỏa thuận Trao đổi và Hợp tác Cơ bản diễn ra vào tháng 10.
Cựu Thiếu tướng Hải quân C. Uday Bhaskar và hiện là giám đốc một trung tâm nghiên cứu độc lập cho biết: “Đã có thời điểm Ấn Độ quan ngại vì sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương”. Tuy nhiên, với mức độ hợp tác quân sự ở thời điểm hiện tại và quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ thì sẽ không xảy ra những lo lắng như trước đây”.
Động thái của Mỹ đã gửi thông điệp tới các đồng minh rằng: “Chúng tôi đang ở đây, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động”, phát biểu của Tiến sỹ Aparna Pande, Giám đốc cơ quan Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á thuộc Viện Hudson ở Washington, Mỹ.
Ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quân sự cấp cao thuộc Viện RAND và nghiên cứu chuyên sâu về chính sách an ninh và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phát biểu trên Twitter cá nhân rằng việc Hải quân Mỹ lên kế hoạch cam kết tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương là nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Grossman viết trên tờ Straits Times: “Nếu Hải quân Mỹ tiếp tục kế hoạch, điều này sẽ tái khẳng định rằng Washington sẽ tiếp tục đánh giá chiến lược với châu Á thông qua lăng kính Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chứ không chỉ tập trung vào khu vực Tây Thái Bình Dương”.