Phóng viên TTXVN tại Moskva đưa tin, theo sắc lệnh được công bố ngày 20/7 trên Cổng thông tin pháp lý chính thức của Nga, chính phủ được giao nhiệm vụ đảm bảo thực hiện những luận điểm cơ bản chính sách quốc gia trong lĩnh vực này đúng với thời hạn nêu trên.
Tàu Liman của Hải quân Nga băng qua Eo biển Bosphorus. Ảnh: AFP/TTXVN |
Văn kiện này đề cập đến nhiều nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia Nga, đồng thời khẳng định Hải quân Nga cần tăng cường hiện diện trên đại dương thế giới. Theo đó, một loạt nước, trước hết là Mỹ và các đồng minh, có tham vọng thống trị đại dương thế giới, trong đó có Bắc Cực, cũng như nhằm đạt được sự vượt trội tuyệt đối của lực lượng hải quân của họ. Hơn nữa, không ít quốc gia đang tìm cách ngăn cản Nga tiếp cận các nguồn tài nguyên ở đại dương thế giới, vươn ra các tuyến vận tải biển hết sức quan trọng.
Ngoài ra, trong số các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga, văn kiện này còn nhấn mạnh đến việc nhiều nước đưa ra yêu sách về lãnh thổ đối với LB Nga ở nhiều vùng ven biển và khu mặt nước liền kề, cũng như xuất hiện nhiều điểm căng thẳng và leo thang xung đột vũ trang tại những khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với Nga và các đồng minh, trên lãnh thổ các quốc gia có đường ra đại dương thế giới. Văn kiện còn khẳng định khái niệm “cú đánh toàn cầu” do Mỹ đưa ra là “thách thức mới đối với an ninh thế giới và đe dọa trực tiếp an ninh quân sự LB Nga”.
Do phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức cũ và mới, cũng như bối cảnh quốc tế phức tạp với sự xuất hiện của nhiều điểm nóng, chính sách quốc gia LB Nga về hoạt động Hải quân đến năm 2030 khẳng định sự cần thiết của việc hải quân nước này phải tăng cường hiện diện tại những khu vực chiến lược quan trọng và các khu vực khác của đại dương thế giới.