Xe chở hệ thống THAAD vào khu vực lắp đặt ở Seongju ngày 26/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lời bác bỏ được đưa ra ngày 4/5 trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết ông đã thông báo cho Hàn Quốc rằng, việc Hàn Quốc trả tiền cho việc triển khai THAAD, với chi phí hoạt động là 1 tỷ USD, là "thích hợp".
Seoul phản bác lại theo thỏa thuận song phương, theo đó Washington chịu trách nhiệm về mặt tài chính cho hoạt động lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng cho THAAD, còn Seoul cung cấp đất để triển khai.
Trả lời phóng viên trong nước, ông Hwang cho biết: "Nhóm làm việc chung (giữa hai nước) đã đi đến một thỏa thuận cụ thể (về chi phí) trong khi thảo luận về vấn đề này trong vài tháng... Không có mâu thuẫn về việc bên nào sẽ trả tiền".
Quyền tổng thống nói thêm: "Về cơ bản, chi phí sẽ do nước nào vận hành hệ thống vũ khí chịu, có nghĩa là nếu Mỹ dùng chúng, Mỹ sẽ trả tiền".
THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của hành trình bay.