“Nếu quan hệ Hàn Quốc -Triều Tiên tiếp tục xấu đi và căng thẳng tiếp tục gia tăng, chính phủ không thể phớt lờ lời kêu gọi từ công chúng ủng hộ trang bị vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc”, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kwon Young-se ngày 17/11.
Nhà chức trách nói thêm các phương án được cân nhắc bao gồm chương trình chia sẻ hạt nhân hoặc cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ông Kwon khẳng định ngay lúc này, Seoul không nghĩ đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân hay đem đầu đạn hạt nhân của Mỹ trở lại Bán đảo Triều Tiên.
Phát ngôn của Bộ trưởng Kwon được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây, Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa.
Sáng 18/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) về hướng Đông. Nhật Bản cho biết tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) phía Tây đảo Hokkaido ở cực Bắc nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nhận định tên lửa của Triều Tiên có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, khi có thể bay xa tới 15.000 km.
Trước đó, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ có hành động quân sự cứng rắn nếu Mỹ tiếp tục chiến lược tăng cường năng lực phòng thủ cùng với các đồng minh trong khu vực.
Đầu tháng 9, Triều Tiên thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân, chính thức tuyên bố trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố cho biết nước này sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, bất chấp các biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể kéo dài hàng trăm năm.
Về phần mình, Hàn Quốc tái khẳng định sẽ tiếp tục tìm cách phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng thông qua răn đe, trừng phạt và áp lực mở rộng.
Washington đã loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ Hàn Quốc vào đầu những năm 1990 theo thỏa thuận giải trừ vũ khí với Liên Xô.
Một cuộc thăm dò dư luận do hãng NewsPim công bố vào tháng trước cho thấy 51,2% người Hàn Quốc ủng hộ việc đất nước họ phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng hoặc tái triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong khi 40% ủng hộ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo. Tổng cộng có 1.014 người tham gia khảo sát.