Một vụ thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN
tại Seoul, trong buổi thông báo với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn
Quốc Hwang Kyo-ahn về chính sách quốc phòng trong năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cho
biết Hàn Quốc dự định ngay trong năm nay sẽ thành lập một đơn vị đặc
biệt với nhiệm vụ làm "tê liệt ban lãnh đạo thời chiến của Triều Tiên".
Ngoài
ra, ông Han cũng cho biết Bộ Quốc phòng Hàn Quốc gần đây ước tính rằng
Triều Tiên đang sở hữu khoảng 40 kg plutoni ở cấp có thể dùng để chế tạo
vũ khí, đồng thời tuyên bố quân đội Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh việc triển
khai các loại vũ khí tiên tiến sớm hơn vài năm so với kế hoạch ban đầu
là vào giữa những năm 2020 nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Hàn
Quốc.
Ông cũng khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc sẽ được triển khai đúng theo kế hoạch.
Bên
cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố trong năm nay sẽ nỗ lực hết
sức về mặt ngoại giao nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình
phát triển hạt nhân và tên lửa.
Trong báo cáo về chính sách
ngoại giao được trình lên Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn,
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ cố gắng đạt được việc phi hạt nhân
hóa ở miền Bắc thông qua các biện pháp trừng phạt toàn diện và sức ép.
Các
nỗ lực sẽ được thực hiện để chặn dòng tiền chảy vào Triều Tiên, cô lập
Triều Tiên về mặt ngoại giao và phối hợp với các nước lớn về các biện
pháp trừng phạt đơn phương. Đồng thời nỗ lực để duy trì một mặt trận
thống nhất chống Triều Tiên bằng cách tăng cường các mối quan hệ song
phương với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác, trong khi thúc đẩy
sự phối hợp thông qua các cơ quan quốc tế và các kênh đối thoại đa
phương.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về
tình hình ngoại giao và an ninh “nghiêm trọng nhất” kể từ khi kết thúc
thời kỳ Chiến tranh Lạnh, như khả năng hạt nhân của Triều Tiên đang gia
tăng, mối quan hệ phức tạp với các nước láng giếng và sự thay đổi trong
trật tự quốc tế.
Trong một diễn biến khác, ngày 3/1, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định nước này có thể tự bảo vệ trước những mối đe dọa từ Triều Tiên và nghi ngờ về năng lực hạt nhân thực sự của nước này.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook tuyên bố Mỹ tự tin vào năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ và các đồng minh của Washington. Quan chức trên đồng thời kêu gọi Triều Tiên kiềm chế "những hành động khiêu khích".
Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Mỹ không nhận thấy dấu hiệu nào về sự thay đổi trong năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố Triều Tiên vẫn theo đuổi công nghệ tên lửa đạn đạo, song Washington cũng không tin hiện Bình Nhưỡng có khả năng trang bị một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo.
Các tuyên bố trên được đưa ra 2 ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này đang ở giai đoạn cuối của việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lập tức bác bỏ khả năng Triều Tiên có thể phát triển tên lửa bắn tới Mỹ. Ông cũng chỉ trích Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang được lợi từ các mối quan hệ kinh tế với Mỹ, nhưng không giúp ích gì trong việc kiểm soát Triều Tiên. Trước đó, Lầu Năm Góc cũng đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch bắn thử ICBM của Triều Tiên.
Trong thông điệp Năm Mới ngày 1/1 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này "đang ở giai đoạn cuối của việc bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa", với tầm bắn có thể đến lãnh thổ Mỹ.