Phản ứng trước một số ý kiến đề cập khả năng Mỹ điều binh sỹ và vũ khí đóng tại Hàn Quốc tới Iraq, quan chức quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ biến động nào đặc biệt. Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, ông Robert Abrams, hiện ở Mỹ, nên khả năng cử lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc tới Iraq là không cao.
Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc được cho là đã chỉ thị các lực lượng của nước này đồn trú ở khu vực Trung Đông gồm Lực lượng Akh đóng tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Lực lượng Dongmyung đóng tại Liban tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xác định nhu cầu hỗ trợ trang bị quân sự để kịp thời bảo hộ và sơ tán công dân của nước mình tại khu vực này trong tình huống khẩn cấp. Một nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi được lệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, có trên 1.570 lao động Hàn Quốc đang làm việc tại Iraq, chủ yếu là tại các dự án xây dựng như nhà máy lọc dầu Karbala và khu đô thị mới Pasmaya. Cả hai công trình này đều nằm ở miền Trung Iraq, cách xa tỉnh Erbil ở phía Bắc và căn cứ Ain Assad ở phía Tây, nơi vừa hứng chịu các đợt tấn công bằng tên lửa của Iran.
* Trong một tuyên bố mới nhất chiều 8/1, quân đội Iraq cho biết không có công dân nước này là nạn nhân trong vụ Iran tấn công tên lửa hai căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iraq có binh sĩ Mỹ và liên quân đồn trú.
Theo tuyên bố trên, cuộc tấn công xảy ra lúc rạng sáng và kéo dài trong khoảng 30 phút. Có 17 tên lửa đánh trúng căn cứ Ain Al-Asad - là căn cứ quân sự lớn nhất mà liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đồn trú tại Iraq - và 5 tên lửa trúng căn cứ ở thành phố Arbil.
Trong khi đó, cùng ngày, Ba Lan cũng ra thông báo khẳng định không có binh sĩ bị thương trong các vụ tấn công này của Iran.
Mỹ cùng chính phủ các nước New Zealand, Australia và Đức thông báo binh sĩ của các nước này đồn trú tại Iraq đều an toàn.
Trước đó, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố đã tiến hành vụ tấn công nhằm đáp trả việc Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad tại Iraq và sát hại Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc IRGC cùng một chỉ huy cấp cao của Iraq hôm 3/1.
* Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 8/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để bàn về tình hình ở Trung Đông trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại khu vực này đang có chiều hướng tăng cao.
Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, tại phiên họp của NSC, Thủ tướng Abe đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung thu thập, phân tích thông tin về tình hình khu vực Trung Đông để nhanh chóng thông tin cho người dân một cách nhanh chóng, chính xác và có các phương án bảo vệ công dân Nhật Bản tại khu vực này.
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết sẽ liên kết với các nước liên quan và tiến hành các hoạt động ngoại giao để xoa dịu tình hình căng thẳng, tuy nhiên vẫn chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với tình trạng bất ổn có thể xảy ra.
Ông Suga cho biết Tokyo sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Trung Đông để có quyết định cuối cùng về chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới 3 nước tại khu vực này dự kiến diễn ra vào giữa tháng này. Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cho biết thêm nước này không thay đổi kế hoạch cử lực lượng tới Trung Đông và vẫn đang tiến hành mọi công tác chuẩn bị.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết mọi hoạt động của Lực lượng phòng vệ (SDF) tại căn cứ ở Djibouti, nơi cũng có các cơ sở quân sự của Mỹ, hiện không bị ảnh hưởng và chưa có sự thay đổi nào.
Bộ Giao thông Nhật Bản ra tuyên bố cho biết các hoạt động bay trong nội địa và các đường bay quốc tế qua Nhật Bản chưa có gì biến động, tuy nhiên cảnh báo các hãng vận tải biển cần hết sức chú ý khi hoạt động tại các vùng biển gần với khu vực bị Iran phóng tên lửa đạn đạo.
Trong diễn biến có liên quan, lãnh đạo 4 đảng đối lập gồm đảng Dân chủ lập hiến, Dân chủ quốc dân, Cộng sản và Dân chủ xã hội cùng ngày đã nhất trí kêu gọi Chính phủ Nhật Bản rút lại quyết định cử SDF tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng như hiện nay. Đề xuất này dự kiến sẽ được nêu ra tại kỳ họp của Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ được triệu tập từ ngày 20/1 tới đây.