Binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc tập trận chung tại Pocheon, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 65km về phía đông bắc, ngày 26/4/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong thông báo, bộ trên cho biết vòng đàm phán đầu tiên sẽ được tổ chức từ ngày 7 - 9/3 tại Honolulu, bang Hawaii (Mỹ). Trưởng đoàn đàm phán của 2 bên là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm Hàn Quốc Chang Won-sam - người mới được bổ nhiệm làm trưởng đoàn từ giữa tháng 11 năm ngoái, và Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Timothy Betts.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh: "Hai bên sẽ thảo luận để đưa ra một thỏa thuận hợp lý, có thể giúp tăng cường sự sẵn sàng phòng thủ chung giữa Hàn Quốc - Mỹ và được người dân hai nước chấp nhận".
Theo Thỏa thuận đóng quân Mỹ - Hàn (SOFA), Hàn Quốc cung cấp đất và cơ sở vật chất cho lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), trong khi Mỹ chi trả cho các phí tổn duy trì lực lượng đồn trú. Từ những năm 1990, Hàn Quốc bắt đầu chia sẻ chi phí với quân đội Mỹ theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA).
Vòng đàm phán SMA đầu tiên thảo luận việc chia sẻ chi phí quốc phòng được tiến hành vào năm 1991 và sau đó diễn ra 5 năm một lần.
Thỏa thuận SMA hiện hành, ký năm 2014, sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 tới. Theo thỏa thuận hiện hành, Hàn Quốc chi 1.000 tỷ won (900 triệu USD) mỗi năm để duy trì lực lượng Mỹ đồn trú.
Việc chia sẻ chi phí quốc phòng gần đây trở thành chủ đề quan tâm, nhất là kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn Hàn Quốc chi trả cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trị giá 1 tỷ USD và đã thông báo với chính quyền Seoul về việc này. Ông Trump cho rằng việc Hàn Quốc chịu phí tổn cho hệ thống phòng thủ trước mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên là "thích hợp".
Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể sẽ yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp đôi chi phí đóng góp này.