Tuyên bố này được Seoul đưa ra sau khi quyết định chấm dứt Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, động thái khiến Mỹ lo ngại làm suy yếu liên minh quân sự ba bên Mỹ - Nhật - Hàn.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong cho biết sau khi hiệp định GSOMIA hết hạn vào ngày 24/8, Hàn Quốc sẽ tiếp tục chia sẻ các thông tin quân sự cấp độ 3 (Class III) với Nhật Bản thông qua Thỏa thuận Chia sẻ thông tin 3 bên (TISA), trong đó Mỹ đóng vai trò trung gian. Quan chức này cũng cho rằng đây có thể là cơ hội để Hàn Quốc tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Ông khẳng định quyết định mới nhất sẽ giúp củng cố quan hệ đồng minh Mỹ- Hàn Quốc.
Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết thêm Seoul đã tham vấn thường xuyên và hợp lý với Washington, đặc biệt thông qua các hội đồng an ninh quốc gia (NSC) của mỗi bên, trước khi đưa ra quyết định trên. Ông Kim khẳng định riêng trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ và Hàn Quốc đã điện đàm và thảo luận về vấn đề này 9 lần. Theo quan chức này, Mỹ luôn hy vọng GSOMIA tiếp tục được gia hạn và vì vậy hiển nhiên, Washington sẽ thất vọng với động thái của Hàn Quốc.
Cùng ngày, các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản Yasumasa Nagamine đến Bộ Ngoại giao để chính thức thông báo chấm dứt GSOMIA. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong tuyên bố quyết định chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản là điều tất yếu sau khi Tokyo làm ngơ việc Seoul nhiều lần đề nghị đối thoại để giải quyết vấn đề lao động bị cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký GSOMIA năm 2016. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hằng năm, bên nào muốn rút khỏi thỏa thuận cần thông báo cho bên kia trước ngày 24/8. Hôm 22/8 vừa qua, Hàn Quốc đã thông báo quyết định ngừng GSOMIA với Nhật Bản. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không đáp ứng "các lợi ích quốc gia" của Hàn Quốc, viện dẫn "sự thay đổi lớn" về các điều kiện an ninh do những hạn chế xuất khẩu của Tokyo.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đồng minh lâu năm và quan trọng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á. Từ lâu, Mỹ đã muốn xây dựng mối quan hệ ba bên tốt đẹp nhưng những mâu thuẫn trong lịch sử giữa Seoul và Tokyo và đặc biệt là tình trạng gia tăng căng thẳng song phương trong thời gian gần đây đã cản trở nỗ lực của Mỹ. Giới phân tích lo ngại quyết định này của Seoul có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực.