Đề cập tới phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc Berlin sẵn sàng bảo vệ JCPOA, ông Bahram Qasemi nói: "Bà Merkel có thể bày tỏ quan điểm của mình... song bà ấy cần hiểu rằng chương trình tên lửa và thỏa thuận hạt nhân là 2 vấn đề riêng rẽ. Chúng tôi đã tuyên bố lập trường của mình về chương trình tên lửa này, nó không thể được đem ra)đàm phán".
Ông Bahram Qasemi thừa nhận nỗ lực của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và những nước tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân nói trên như Nga và Trung Quốc trong việc cứu vãn JCPOA. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Qasemi, tiến trình này còn chậm chạp, do đó các nước cần đẩy nhanh hơn nữa nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân nói trên.
Theo JCPOA, Iran sẽ hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Sau khi Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA, Tổng thống Donald Trump ngày 7/8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Gói trừng phạt thứ nhất nhằm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý và các mặt hàng xuất khẩu của Iran. Gói trừng phạt thứ hai dự kiến có hiệu lực từ tháng 11 tới, được coi là hết sức mạnh tay nhằm "triệt tiêu" nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này.
Ông Trump cũng tuyên bố các công ty giao thương với Iran sẽ bị cấm giao dịch với Mỹ khi các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Tehran có hiệu lực. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran mà Mỹ coi là chấp nhận được.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi tuần trước đã bác bỏ các yêu cầu của Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington đã "đốt bỏ các cây cầu" dẫn tới thương lượng với Tehran. Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn đang nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran thông qua các cam kết đảm bảo lợi ích kinh tế của Iran với mục đích thuyết phục Tehran duy trì thỏa thuận này.