Trả lời phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ tại Iran mà chỉ muốn đảm bảo quốc gia này không sở hữu vũ khí hạt nhân. Bất chấp những tuyên bố gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang trong suốt một tháng qua.
Tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, có tên gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn từ đầu tháng 5 năm nay, khi Washington tăng cường trừng phạt và điều động tàu chiến, máy bay chiến đấu và tàu sân bay tới Vịnh Ba Tư để gửi “thông điệp rõ ràng và chính xác tới chế độ Iran”.
Về phần mình, Iran ngày 8/5 thông báo sẽ ngừng tuân thủ một vài điều kiện có trong thỏa thuận hạt nhân 2015 và cho các bên ký kết còn lại 60 ngày để đảm bạo lợi ích của Iran được bảo vệ theo như thỏa thuận.
Chỉ vài ngày sau đó, Saudi Arabia cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu nước này ở ngoài khơi Fujairah và cho một máy bay không người lái tấn công đường ống dẫn dầu. Iran bác bỏ mọi liên quan trong hai sự cố.
Đến 24/5, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ điều động 1.500 binh sĩ và hơn chục máy bay ném bom tới Trung Đông, cũng như có kế hoạch bán 8,1 tỷ USD vũ khí cho Saudi Arabia, Jordan và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất.
Đài Sputnik dẫn lời Banafsheh Keynoush – một học giả các vấn đề đối ngoại kiêm tác giả cuốn sách “Saudi Arabia và Iran: Bạn hay thù?” cho biết hiện vẫn chưa rõ động cơ đằng sau thương vụ bán vũ khí cho các quốc gia vùng Vịnh của chính quyền Tổng thống Trump là gì. Mặc dù Tehran không nhanh chóng kết luận song phía Mỹ có thể đã lợi dụng mối đe dọa Iran làm cái cớ để tiến hành thương vụ này.
"Tehran nghi ngờ chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách phụ thuộc vào năng lực quân sự của các quốc gia đồng minh Arab để ngăn chặn Iran trong khu vực hết mức có thể, mặc dù mục tiêu này chưa thể đạt được hoàn toàn trước tiềm năng tấn công và phòng thủ của Iran. Mối đe dọa Iran giúp thúc đẩy việc bán vũ khí cho các nước láng giềng Arab và có thể dẫn Iran đến bàn đàm phán thảo luận về chương trình hạt nhân và ảnh hưởng ở Trung Đông”, chuyên gia Keynoush nhận định.
“Nếu Iran có phần nào đúng về những giả thuyết này, thì vẫn chưa rõ liệu những tính toán của chính quyền Tổng thống Trump có dẫn tới bất kỳ kết quả cụ thể nào trong việc kiềm chế mối đe dọa Iran hoặc tìm cách buộc Iran đàm phán với Mỹ qua việc bán vũ khí cho các đồng minh Arab”, tác giả lý giải.
Không chỉ vậy, Tehran cũng đang xem xét lại bài học từ cách tiếp cận Triều Tiên của chính quyền Washington, để họ có câu trả lời chính xác nhất.
Chuyên gia Keynoush nói: "Đã xảy ra leo thang trước khi Mỹ và Triều Tiên quyết định đàm phán trực tiếp. Cả hai đều có thể ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang và nói chuyện với nhau, mặc dù kết quả của các cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên vẫn chưa thực sự thuyết phục. Hơn thế nữa, các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc có thể can thiệp để làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên”.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Abe, Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ “sẽ đạt được thỏa thuận” với Iran. Giới chuyên gia cũng dự đoán Tổng thống Trump thực sự muốn đối thoại với Tehran.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif và Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, Majid Takht-Ravanchi, đều ám chỉ Iran sẵn sàng nói chuyện với Mỹ, nhưng “không dưới bất kỳ áp lực hay đe dọa nào”.
“Iran cần thời gian này để hiểu về việc họ có thể nhờ quốc gia nào trong khu vực để giúp làm giảm căng thẳng và hiểu rõ hơn động cơ của chính quyền Trump đối với việc thương vụ vũ khí mới nhất. Ngoại trưởng Zarif đang ở Iraq và sẽ tới Ấn Độ và Pakistan. Nhà ngoại giao Iran Abbas Araghchi đang trong chuyến công du tới Oman, Kuwait và Qatar. Các nước này không thể giúp Iran bằng các nước lớn, tương tự như Nga và Trung Quốc giúp Triều Tiên giảm căng thẳng với Mỹ. Nhưng nhìn chung, họ là lực lượng chính trong khu vực vùng Vịnh Ba Tư, có chung ý kiến cho rằng sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ sớm giảm xuống”, nữ học giả kết luận.