Đài Sputnik dẫn bài viết trên báo Bloomberg đưa tin trong hôm 26/5, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã có buổi nói chuyện với người đồng cấp Iraq Mohammed al-Hakim tại Baghdad, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi khởi động chuyến công du một loạt nước Arab vùng Vịnh láng giềng, bao gồm Kuwait, Oman và Qatar.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp người đồng cấp al-Hakim, Ngoại trưởng Zarif đặc biệt kêu gọi thêm các hành động thiết thực để gìn giữ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, có tên gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Zarif bắn tín hiệu về quyết tâm của Iran trong việc giải quyết những hành động khiêu khích về mặt kinh tế hoặc quân sự đang nhằm vào quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này.
Ngoại trưởng Zarif cũng chỉ ra rằng Teheran sẵn sàng tăng cường mối quan hệ cân bằng với các nước láng giềng trực tiếp ở vùng Vịnh, đề xuất ký kết thỏa thuận không gây hấn với những quốc gia này.
Trước đó, người phát ngôn của Ngoại trưởng Iraq, ông Ahmed Sahaf, nhấn mạnh Baghdad sẵn sàng làm người hòa giải giữa Iran và Mỹ để giúp hai nước cải thiện quan hệ.
Nỗ lực ngoại giao con thoi của Iran được đưa ra sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về số phận của thỏa thuận JCPOA.
Ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA,và sau đó nối lại các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt lên Iran.
Đúng một năm sau, Tehran tuyên bố sẽ ngưng tuân thủ một vài quy định trong thỏa thuận, cho các bên ký kết còn lại – các quốc gia châu Âu 60 ngày để đảm bạo lợi ích của Iran được bảo vệ theo như thỏa thuận.
Ngay lập tức, Washington tăng cường áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran, nhằm vào các mặt hàng nhôm, sắt, thép của nước này. Mỹ còn điều động nhóm tàu tấn công do tàu sân bay Abraham Lincoln dẫn đầu và phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Trung Đông nhằm gửi “thông điệp rõ ràng và không hề nhầm lẫn” tới Tehran.
Mỹ cũng tuyên bố triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới khu vực này khi chính quyền Tổng thống Trump nhất trí thương vụ vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho các quốc gia bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để ngăn chặn những gì Washington mô tả là các “hoạt động ác tính” của Iran tại Trung Đông.
Tehran đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc, lên án các hành động của Mỹ gây ra “chiến tranh tâm lý”và bày tỏ sẵn sàng trả đũa một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng.