Đối với Nhật Bản, hệ thống phòng thủ Aegis Ashore được trang bị radar của tập đoàn Lockheed Martin sẽ mang vai trò đánh chặn tên lửa nhằm vào lãnh thổ nước này và có chi phí 2 tỷ USD.
Nhưng trong tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã tạm ngưng kế hoạch này với lý do rằng bệ phóng tên lửa có thể rơi vào khu vực dân cư. Thay vào đó, ông Kono đề xuất lắp đặt hệ thống phòng thủ trên biển hoặc chiến hạm.
Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc một số đề xuất bao gồm đặt hệ thống Aegis Ashore lên một công trình trên biển, tàu thương mại hoặc chiến hạm. Tuy nhiên, mức giá cao đối với phương án này có thể khiến các quan chức Nhật Bản phải suy nghĩ lại bởi quốc gia này cũng gặp khó khăn kinh tế vì dịch COVID-19.
Nguồn tin của Reuters cho biết mỗi phương án được đề xuất có thể mang chi phí lên tới 4 tỷ USD, chưa bao gồm khoản chi cho tên lửa đánh chặn và vận hành hệ thống này. Những yếu tố nhân sự, bảo trì và nhiên liệu còn góp phần khiến phương án triển khai hệ thống phòng không trên biển hoặc chiến hạm thêm phần đắt đỏ hơn.
Aegis Ashore do Mỹ sản xuất trong trường hợp triển khai tại Nhật Bản sẽ được trang bị radar SPY-7 của tập đoàn Lockheed Martin. Mặc dù Nhật Bản thường mua vũ khí của Washington qua chương trình Chương trình Bán hàng quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản lại mua radar SPY-7 trực tiếp từ tập đoàn Lockheed Martin và đã chi trả một nửa trong hợp đồng 300 triệu USD.
Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, có từ sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc, "bó buộc" Tokyo không thể tấn công căn cứ của kẻ địch. Do vậy, đối với Nhật Bản, khả năng phòng vệ, bắn hạ tên lửa tầm xa của đối phương là vô cùng quan trọng.