Tờ The National Interest (Mỹ) cho biết trong tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tán thành ý tưởng cùng Pháp đóng tàu sân bay của châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích hoài nghi về khả năng tài chính và chính trị của Đức để sản xuất hàng không mẫu hạm vốn thường rất đắt đỏ và quy mô.
Trong khi đó, vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly từng phát biểu trên truyền hình: “Tôi không nghĩ chúng ta đã đạt đến trình độ đó. Phải xem xét về tình huống sử dụng tàu sân bay của châu Âu. Ngoài việc đóng tàu sân bay, còn vấn đề đặt chiến hạm này dưới sự chỉ huy của châu Âu. Điều này phức tạp hơn nhiều…”.
Đức chưa từng vận hành tàu sân bay. Trong khi đó, Pháp sở hữu tàu sân bay năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle có thể chở theo 3 phi đội chiến đấu cơ Rafale.
Công chúng Đức thường phản đối can thiệp quân sự ở nước ngoài. Nhiệm vụ chính của Hải quân Đức là tuần tra vùng Biển Baltic. Và các chiến đấu cơ trên bộ hiện đã đáp ứng được nhiệm vụ này do vậy Đức không có nhu cầu sở hữu thêm hàng không mẫu hạm lớn.
Pháp trong khi đó cho rằng quân đội nước này có mang nhiệm vụ quốc tế và đang tham gia các chiến dịch ở châu Phi cùng Trung Đông. Do vậy Pháp ưu tiên các tàu sân bay có thể hỗ trợ cho chiến dịch quân sự nằm xa bờ biển nước này.
Trước thực tế này, khi chung tay vận hành tàu sân bay, Đức và Pháp cần thống nhất về cách sử dụng chiến hạm này.
Việc thiết kế và đóng tàu sân bay đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Mỹ từng chi hơn 10 tỷ USD cho mỗi hàng không mẫu hạm thuộc lớp Gerald Ford. Do vậy, ưu điểm của lựa chọn cùng phối hợp đóng tàu sân bay có thể giảm bớt gánh nặng cho các bên.
Tuy chưa thể chắc chắn về tàu sân bay chung của châu Âu giữa Pháp và Đức nhưng trong 2 thập niên tới Pháp sẽ đóng ít nhất một tàu sân bay mới. Trong khi đó, Pháp và Đức đang cùng phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu được cho có thể hoạt động trên tàu sân bay.