Hãng Fox News cho biết tên lửa mới này được phát triển từ dự án có tên Thay đổi tính hữu dụng tên lửa qua công nghệ mũi khớp (MUTANT) của Không quân Mỹ.
Thông thường, một tên lửa được phóng đi từ chiến đấu cơ thường gặp khó khăn trong việc thay đổi quỹ đạo. Nếu muốn tên lửa trở nên cơ động hơn, sẽ phải lựa chọn “hy sinh” tốc độ.
Do đó, ý tưởng được áp dụng trong dự án MUTANT là tên lửa được phóng từ máy bay sẽ sở hữu đầu khớp nối có thể xoay để giúp nó đổi hướng trên không trung và bắn trúng mục tiêu. Dự án MUTANT vẫn ở trong giai đoạn đầu thiết kế và thử nghiệm.
Ý tưởng về tên lửa có khớp nối vốn xuất hiện từ những năm 1950 nhưng không thể triển khai thành hiện thực. Công nghệ ngày càng tiên tiến hiện nay đã thay đổi điều này.
Phòng thí nghiệm nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) đã lý giải cách hoạt động của tên lửa mới thuộc dự án MUTANT tại Aurora, Colorado trong tháng 3. AFRL dự kiến tiến hành 3 cuộc thử nghiệm trên mặt đất từ giữa năm tài khóa 2023 đến cuối năm 2024.
Dưới đây là video mô phỏng về cơ chế hoạt động của tên lửa thuộc dự án MUTANT (nguồn: VICE)
Hiện tại, MUTANT hiện diện dưới hình thức là tên lửa Hellfire được sửa đổi. AFRL không bắn tên lửa này lên không trung mà sử dụng xe trượt hỏa tiễn - một đoạn đường ray dài có mục tiêu ở cuối. Các nhà nghiên cứu buộc tên lửa thử nghiệm vào đường ray này và bắn nó đâm vào tường.
Điều này tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu xem xét tác động và tác dụng của tên lửa mà không cần bắn nó lên không trung.
Không quân Mỹ muốn các tên lửa MUTANT vì các mục tiêu trên không trung đang ngày càng trở nên cơ động. Điểm đáng chú ý là các máy bay không người lái đang theo xu hướng nhỏ hơn, linh hoạt hơn và khó tấn công hơn so với chiến đấu cơ, tên lửa truyền thống.
Vũ khí siêu vượt âm cũng gây khó khăn cho hệ thống phòng không truyền thống. Tên lửa siêu vượt âm thường nhanh đến mức các chuyên gia cho rằng các phương tiện truyền thống không thể “hạ gục” chúng trên không.