Máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6K của Không lực Trung Quốc tham gia cuộc tập trận tại Nam Kinh, Giang Tô ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Chiến đấu cơ của lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản ngày 10/12 xuất kích nhằm đối phó 6 máy bay quân sự Trung Quốc bay qua eo biển Mikyako ngăn cách giữa các đảo ở Okinawa.
6 máy bay quân sự của Trung Quốc gồm 2 máy bay chiến đấu Su-30, 2 máy bay ném bom H-6 và 2 máy bay thu thập thông tin tình báo, bay theo hướng Tây Nam từ Biển Hoa Đông và qua vùng trời thuộc eo biển Mikyako.
Sau khi đến phía biển Thái Bình Dương của eo biển này, 2 chiến đấu cơ Trung Quốc bay trở lại Biển Hoa Đông. Những chiếc máy bay còn lại đổi hướng sang đường bay phía Tây Nam và hướng tới eo biển Bashi giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ đang phân tích ý đồ của Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 10/12 đã cáo buộc Nhật Bản gây nguy hiểm đối với các máy bay quân sự Trung Quốc khi những máy bay này bay qua eo biển Miyako ở Okinawa, Tây Nam Nhật Bản như là một phần của hoạt động diễn tập thông thường ở Tây Thái Bình Dương.
Trước đó cùng ngày, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết trong một cuộc diễn tập tầm xa, các máy bay quân sự Bắc Kinh đã bay qua các tuyến đường thủy gần hòn đào này. Đây là những chuyến bay đầu tiên kiểu này của Trung Quốc kể từ sau cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Theo kênh NBC News của Mỹ, ngày 25/11, một tuần trước khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn có cuộc điện đàm được đánh giá là phá vỡ nghị định thư ngoại giao đã tồn tại nhiều thập kỷ giữa Washington với Bắc Kinh, Trung Quốc đã có màn phô trương sức mạnh trên bầu trời khi điều một loạt máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân bay vòng quanh Đài Loan trong một chiến dịch do thám tầm xa.
Giới chức Đài Loan ngày 6/12 cho biết trong lần đầu tiên điều máy bay quân sự vòng quanh hòn đảo này, Trung Quốc phô trương lực lượng hùng hậu với một máy bay trinh sát Tu-154, một máy bay trinh sát Y-8, hai chiến đấu cơ Su-30 cùng hai oanh tạc cơ H-6K.
Trong khi đó, kênh Fox News Mỹ ngày 9/12 dẫn lời 2 quan chức cho hay Trung Quốc mới có động thái điều máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân H-6 tuần tra trên Biển Đông hôm 8/12 quanh "đường 9 đoạn" mà nước này tự vẽ ra. Ngày 9/12, Lầu Năm Góc đưa tin về chuyến bay này. Theo các quan chức, đây là chuyến bay tầm xa đầu tiên của một máy bay ném bom Trung Quốc dọc theo ranh giới "đường lưỡi bò" (phi pháp) kể từ tháng 3/2015.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị".
Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc.