Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Ukraine và Nga đang rơi vào vùng nguy hiểm. Washington và Moskva cần phải hành động ngay bây giờ để giúp Kiev đảm bảo nguồn lực quốc phòng nhạy cảm nhất của mình. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đưa hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Mokva và Kiev nguy cơ rơi vào vòng xoáy nguy hiểm. Việc ngừng sự hợp tác với Nga một cách đột ngột trong lĩnh vực công nghiệp-quốc phòng sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của Ukraine, đặc biệt là ở khu vực miền đông nước này, vốn đã phải chịu nhiều mất mát do cuộc xung đột đang diễn ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraine có vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế của một số thành phố lớn nhất ở miền đông.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của những thiệt hại này có thể vượt ra ngoài biên giới của Ukraine, do những nguy cơ phổ biến vũ khí khi các nhà máy quốc phòng Ukraine mất một khách hàng quan trọng là Nga. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, từng có quy mô lớn thứ 2 Liên bang Xô-viết chỉ sau Nga, là nơi có nhiều nhà khoa học và các kỹ sư có chuyên môn cao trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa. Một sự cố trong hợp tác quốc phòng Nga-Ukraine có thể sẽ khiến các chuyên gia trên có nguy cơ để những “bí quyết quân sự công nghệ cao” rơi vào tay những phần tử xấu và những kẻ phổ biến vũ khí hàng loạt.
Khủng hoảng tại Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Ảnh: Itar-tass |
Ngăn chặn mối nguy hiểm tiềm tàng này là một nhiệm vụ không thể chờ đợi cho đến khi cuộc xung đột tại Ukraine được giải quyết triệt để. Chính phủ Ukraine cần phải được trợ giúp ngay lập tức để đảm bảo các nguồn lực quan trọng nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng và thực hiện đúng cam kết quốc tế không phổ biến vũ khí. Và hai nước có vai trò quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ trên, như đã làm trong quá khứ, chính là Nga và Mỹ.
Tính đến giữa năm 2014, ý tưởng về sự hợp tác giữa Nga và Mỹ về bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề Ukraine dường như là không thể. Tuy nhiên, khi những lợi ích của Ukraine, Mỹ và Nga bị đe dọa, sự hợp tác này là rất cần thiết. Trừ phi Moskva và Washington đồng ý bảo vệ sự hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng ngoài những vấn đề khác và giúp đỡ Ukraine ngay lập tức, nếu không tất cả các bên sẽ phải đối mặt với hậu quả tai hại sau này.
Quan hệ công nghiệp quốc phòng giữa Moskva và Kiev có một lịch sử lâu dài. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Ukraine đã sở hữu khoảng 30% ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô trên lãnh thổ của mình, trong đó có khoảng 750 nhà máy và 140 tổ chức khoa học và kỹ thuật. Tại thời điểm Liên Xô tan rã, các tổ chức khoa học và kỹ thuật trên có hơn 1 triệu chuyên gia và nhân viên. Trong những năm 1990, có một số nỗ lực nhằm chuyển đổi một vài công ty quốc phòng sang sản xuất dân sự, nhưng chúng nhanh chóng bị bỏ rơi.
Trong khoảng 20 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, công nghệ thời Xô-viết đã mất đi khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ukraine cũng đã trải qua sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng và không có một quân đội đủ lớn để duy trì ngành công nghiệp quốc phòng quá khổ của mình. Kết quả là, để tồn tại, các công ty quản lý trong lĩnh vực này ngày càng trở nên phụ thuộc vào các hợp đồng với Nga.
Hiện nay, tại Ukraine có khoảng 300 doanh nghiệp, viện nghiên cứu và tổ chức với hơn 250.000 lao động được cấp phép để sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự. 75 trong số những đơn vị trên đã được đăng ký là nhà sản xuất các sản phẩm thuộc bí mật của nhà nước, trong đó có các tên lửa và công nghệ tên lửa. Đáng chú ý là công ty thuộc sở hữu của nhà nước Ukroboronprom, được thành lập vào năm 2010, hiện đang giám sát 134 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng quốc doanh của Ukraine với 120.000 lao động.
Tuy nhiên, Ukraine thiếu một trung tâm thống nhất để kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Kết quả là, việc quản lý, cấp phép, và các chức năng kiểm soát xuất khẩu nằm rải rác ở khắp cơ quan thuộc chính phủ và các bộ. Hệ thống quản lý phân mảnh này đang ngày càng bị thách thức bởi cuộc xung đột hiện nay và việc quản trị không chắc chắn, đặc biệt là ở miền đông Ukraine.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine được duy trì chủ yếu là do xuất khẩu. Gần 30% sản lượng công nghiệp quốc phòng của Ukraine là dành cho khách hàng trong nước. Số còn lại Ukraine xuất khẩu ra nước ngoài. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), với số tiền 1,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu vũ khí hàng năm, Ukraine là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới từ năm 2009 đến năm 2013.
Ukraine đã lao động một cách tích cực để gia nhập vào thị trường vũ khí quốc tế trong những năm 1990 và đã tìm cách duy trì vị thế của mình trong lĩnh vực này ở một số nước châu Á và châu Phi, trong đó có cả thị trường vũ khí “xám và đen”. Xuất khẩu vũ khí của Ukraine bao gồm các lĩnh vực hàng không, đóng tàu, công nghệ tên lửa. Việc hợp nhất nhiều ngành công nghiệp vũ khí vào Tập đoàn nhà nước Ukroboronprom-với doanh số đạt 1,79 tỷ USD năm 2013, tăng 17% so với năm 2012- giúp cho tập đoàn này nằm trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2011 và 2012 của SIPRI. Mặc dù ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine đã tạo ra doanh thu lớn, nhưng việc tái đầu tư cho lĩnh vực này lại rất ít.
Nhiều thiết bị quân sự tên lửa của Nga nhập khẩu từ Ukraine. Ảnh: RIA Novosti |
Quan hệ gần gũi với Nga
Trong số các quốc gia nước ngoài hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hướng về xuất khẩu có Nga là đáng chú ý. Moskva là người mua các sản phẩm liên quan đến quốc phòng lớn thứ 3 của Ukraine trong giai đoạn 2009-2013, sau Trung Quốc và Pakistan. Tuy nhiên, có một số sản phẩm và dịch vụ mà Nga gần đây chỉ nhập khẩu từ Ukraine. Ví dụ, quân sự của Nga phụ thuộc vào công ty Motor Sich ở thành phố Zaporizhia, đông nam Ukraine về động cơ máy bay trực thăng và công ty Antonov của Nga ở Kiev về máy bay vận tải. Quan trọng nhất, quân đội Nga còn phụ thuộc vào Hiệp hội Nhà máy Chế tạo Máy móc miền Nam, được biết đến với cái tên Yuzhmash, tại thành phố Dnipropetrovsk, đông nam Ukraine về thiết kế, sản xuất, dịch vụ và rocket và tên lửa.
Một số mối quan hệ quan trọng nhất giữa các ngành công nghiệp quân sự giữa Nga và Ukraine liên quan đến lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Hơn một nửa các thành phần của tên lửa đạn đạo liên lục địa triển khai trên mặt đất của Moskva đến từ Ukraine. Trong khi đó, các chuyên gia Ukraine thực hiện việc kiểm tra định kỳ các tên lửa chiến lược của Nga cũng như cung cấp các thành phần tên lửa thiết yếu bao gồm hệ thống điều khiển và ngắm mục tiêu cho tên lửa RS-20 Voyevoda (mã NATO là SS-18 Satan). Đồng thời, vì dựa vào xuất khẩu sang Nga, nhiều doanh nghiệp Ukraine sản xuất sản phẩm quốc phòng cũng phụ thuộc vào các bộ phận và vật liệu chủ yếu là nhập khẩu từ Nga.
Mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp quốc phòng giữa hai nước đã được hỗ trợ bởi chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Nga, trong đó Moskva có kế hoạch chi 720 tỷ USD vào năm 2020. Chi tiêu quốc phòng của Nga, tăng gần gấp đôi so với con số trên danh nghĩa từ năm 2007, và chỉ tính riêng năm 2014 tăng 18,4%. Các doanh nghiệp Nga là “quá sức” khi ban đầu dự định sẽ thực hiện tất cả các đơn đặt hàng thiết bị của chính phủ, như Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin thừa nhận vào tháng 12/2013 rằng chương trình hiện đại hóa quân đội của Moskva cũng phải dựa vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Công Thuận (Còn tiếp)