Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiết lộ thông tin này sau khi Hy Lạp đề nghị áp đặt cấm vận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ. Kênh Al Jazeera cho biết Thủ tướng Merkel đưa ra phát biểu sau hội nghị mà trong đó 27 lãnh đạo của các nước thành viên EU nhất trí chuẩn bị trừng phạt đối với các công dân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tranh chấp khai thác năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ cùng Hy Lạp và Cyprus.
Căng thẳng leo thang trong tháng 8 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thăm dò tại khu vực tranh chấp ở Địa Trung Hải với sự tham gia của tàu khảo sát và một hạm đội nhỏ tàu chiến của Hải quân nước này. Ngày 12/8, Hy Lạp điều động tàu chiến đến địa điểm trên, dẫn đến va chạm nhẹ với chiến hạm Hy Lạp.
Đến ngày 13/8, Pháp tuyên bố “tạm thời củng cố” hiện diện quân sự tại đông Địa Trung Hải để ủng hộ Hy Lạp. Điều này góp phần khiến căng thẳng giữa Paris và Ankara gia tăng khi hai nước đã bất đồng từ trước về Libya và Trung Đông.
Bà Merkel phát biểu tại một buổi họp báo: “Chúng tôi đã trao đổi về phương thức thảo luận xuất khẩu vũ khí trong NATO. Chúng tôi đều muốn hợp tác với chính quyền mới của Mỹ về Thổ Nhĩ Kỳ”. EU và NATO đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị cùng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2021.
Đề cập đến những lệnh trừng phạt, Bô Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá biện pháp này là “trái phép và mang tính thành kiến”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng EU nên hành động như “một nhà trung gian trung thực” đối với tranh chấp giữa Ankara và Athens.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau đó lên tiếng: “Chúng tôi có mối quan hệ kinh tế và chính trị sâu sắc với cả Mỹ và EU mà chúng tôi không muốn mất đi. Chẳng có vấn đề nào không thể giải quyết qua đối thoại và hợp tác”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định: “Châu Âu đã thể hiện sự cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt để Ankara ngừng các hành động đơn phương tại phía đông Địa Trung Hải. Chúng ta đã trao cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội từ tháng 10, đã tiếp cận, đưa ra điều kiện nhưng cũng nhận thấy Ankara tiếp tục duy trì hành động gây hấn”.
Nhiều chuyên gia đánh giá phát biểu của bà Merkel đã thể hiện lập trường cứng rắn của EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá khứ, nhiều chính phủ thành viên EU ngần ngại trong việc áp dụng biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là một thành viên NATO và là nơi nhiều người Syria đang tị nạn.
Nhưng theo thời gian, các thành viên EU ngày càng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc liên quan đến Libya và Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Mỹ đã phản đối quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cũng rục rịch áp dụng biện pháp trừng phạt.
Năm 2018, EU xuất khẩu số vũ khí khoảng 45 triệu euro đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng số chiến đấu cơ EU “hạ cánh” tại Thổ Nhĩ Kỳ có giá lên tới vài tỷ euro. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), Mỹ, Italy và Tây Ban Nha đều là những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu đến Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian từ 2015-2019.
Một số chính phủ thành viên EU như Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển trong năm 2019 cho biết họ đã ngưng hoặc hạn chế giấy phép xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ.