Trả lời phỏng vấn ngày 13/1, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley thông báo Lầu Năm Góc đang tập trung thảo luận phương án thu hẹp sự hiện diện của quân Mỹ tại châu Phi, thay vào đó là tăng cường mức độ sẵn sàng của lực lượng tại Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đang nghiên cứu những phương án cần cân nhắc, và phát triển những phương án cần sự phối hợp với các đồng minh và đối tác”, ông Mark Milley trả lời hãng tin AFP sau khi tới Brussels (Bỉ) gặp mặt các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cuối năm ngoái, khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng M. Esper từng lên tiếng về chiến lược xoay trục từ các chiến dịch chống khủng bố sang Nga và Trung Quốc. Ngày 31/10, Bộ trưởng Esper cho biết một trong những thách thức lớn nhất mà ông đối mặt trên cương vị người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ là thực hiện Chiến lược quốc phòng Mỹ, trong đó nhấn mạnh mối quan tâm chính là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông nói: "Để thực hiện chiến lược này, tôi cần tham gia tích cực hơn, cần phải di chuyển lực lượng tới khu vực này, cần tăng cường sự hiện diện tại khu vực". Theo ông, chiến lược của Mỹ là tăng thêm về số lượng đối tác và củng cố quan hệ liên minh trong khu vực này.
Tuyên bố xác nhận từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Milley được đưa ra vài tuần sau khi có thông tin Mỹ đã có một vài động thái cắt giảm hoạt động tại châu Phi, bao gồm rút khỏi một căn cứ máy bay không người lái ở Niger và chấm dứt hỗ trợ quân sự đối với lực lượng Pháp tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Mali, Burkina Faso và Nigeria.
Bình luận về thông tin Mỹ muốn cắt giảm các chiến dịch chống khủng bố tại châu Phi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hy vọng có thể gặp mặt người đồng cấp Mỹ Donald Trump để thuyết phục nhà lãnh đạo cân nhắc về quyết định rút quân khỏi Tây Phi.
“Nếu quân Mỹ quyết định rời khỏi châu Phi, đây sẽ là tin xấu cho chúng ta… Tôi hy vọng có thể thuyết phục Tổng thống Trump rằng cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang tiếp diễn trong khu vực”, Tổng thống Macron phát biểu trong một hội nghị với các nhà lãnh đạo Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger.
Đầu tháng 1, Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ thông báo đã điều thêm quân tới Đông Phi sau khi tại đây xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Kenya do nhóm khủng bố al-Shabaab thực hiện. Vụ tấn công khiến một binh sĩ và hai nhà thầu quốc phòng Mỹ thiệt mạng.
Theo kết quả nghiên cứu mà Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi công bố năm ngoái, mặc dù quân đội Mỹ điều thêm lực lượng chống khủng bố tới châu lục song bạo lực liên quan đến khủng bố và hoạt động của các nhóm phiến quân Hồi giáo vẫn tăng mạnh kể từ năm 2012.
Nghiên cứu lưu ý so với năm 2010 chỉ có 5 nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động tích cực thì đến nay, con số đó là lên tới hơn 20 chục nhóm, thực hiện các vụ tấn công thường xuyên trên 13 quốc gia châu Phi.