Tờ Guardian (Anh) cho biết quần đảo Solomon với dân số 650.000 người tại Nam Thái Bình Dương có thể trở thành yếu tố tác động đến chính sách của các quốc gia lớn trong khu vực.
Vào tuần đầu tháng 12 khi lãnh đạo các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tụ họp tại London (Anh) chương trình nghị sự hàng đầu của họ là Tổng thống Trump yêu cầu châu Âu dành nhiều chi phí hơn cho quốc phòng. Nhưng lý do nào khiến Mỹ lại “nhạy cảm” như vậy với cái gọi là chia sẻ gánh nặng chi phí? Câu trả lời là một phần bắt nguồn từ việc Mỹ đang hướng tới phương Tây thay vì phương Đông.
Mỹ từng coi Trung Quốc, thay vì Nga, là đối thủ chiến lược, kinh tế và quân sự lớn nhất. Cựu Tổng thống Barack Obama năm 2011 từng triển khai tích cực chiến lược "xoay trục" sang châu Á.
Nhưng việc quần đảo Solomon quyết định chấp nhận đầu tư lớn từ Bắc Kinh và cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) là bằng chứng cho thấy Mỹ đang thất thế và thua trong cuộc chiến giành ảnh hưởng, quyền lực tại Thái Bình Dương.
Một trong những lý do dẫn đến điều này bắt nguồn từ chính Tổng thống Trump, bởi ông ưu tiên “nước Mỹ trên hết”. Điều này không chỉ diễn ra ở Nam Thái Bình Dương mà còn lan từ Pakistan tới Philippines.
Trong khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Trung Quốc lại đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua sáng kiến "Vành đai, Con đường".
Còn có nghi ngờ rằng Trung Quốc dự kiến thiết lập căn cư quân sự dài hạn trong khu vực, Vanuatu từng là một địa điểm tiềm năng nhưng đã lên tiếng từ chối. Hiện nay, Tulagi và Solomon lại nằm trong danh sách “ứng viên tiềm năng”.
Nhận ra việc đã lơ là với các quốc gia hàng xóm nhỏ, Australia gần đây công bố nhiều gói hỗ trợ, bao gồm quỹ chiến đấu với biến đổi khí hậu cho những nước này.
Mỹ và Australia trong năm 2018 từng cho biết sẽ phát triển căn cứ quân sự chung tại đảo Manus ở Papua New Guinea. Ngoài ra, Mỹ cũng khuyến khích các đồng minh trong khu vực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore tăng cường chi tiêu quốc phòng.