Lầu Năm Góc công bố kế hoạch viện trợ quân sự dài hạn cho Ukraine

Trong cuộc họp báo ngày 7/1, đại diện cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết các nước phương Tây sẽ phân chia nhu cầu quân sự của Ukraine thành nhiều lĩnh vực, đồng thời giao trách nhiệm cho các quốc gia thành viên hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của Kiev trong từng khía cạnh cụ thể.

Chú thích ảnh
Lầu Năm Góc tại Washington D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đại diện Lầu Năm Góc, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine – một nhóm bao gồm các nước phương Tây chịu trách nhiệm điều phối viện trợ quân sự cho Kiev – đã thiết lập 8 liên minh năng lực. Mỗi liên minh này sẽ đảm trách một phần năng lực quân sự của Ukraine, và sẽ có ít nhất hai quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng lãnh đạo từng liên minh riêng biệt.

“Những nhà lãnh đạo của các liên minh này sẽ phải xác định và đưa ra kế hoạch chi tiết về nhu cầu cũng như mục tiêu của Ukraine trong các lĩnh vực như: không quân, xe thiết giáp, pháo binh, rà phá bom mìn, máy bay không người lái, hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân tích hợp, công nghệ thông tin, và an ninh hàng hải từ nay đến năm 2027”, đại diện của Lầu Năm Góc cho biết.

Vào ngày 9/1 tới đây, cuộc họp lần thứ 25 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine sẽ diễn ra tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhóm liên lạc để hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền tại Nhà Trắng, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức.

Trước đó vào ngày 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận Washington đã chuyển giao vũ khí cho Kiev nhiều tháng trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Ông Blinken cũng khẳng định rằng số vũ khí này đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bước tiến của Nga về phía Kiev.

Về phần mình, Liên bang Nga liên tục cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến tình hình căng thẳng leo thang, và có nguy cơ kéo các quốc gia NATO thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Điện Kremlin tuyên bố rằng việc phương Tây “bơm” vũ khí cho Kiev sẽ không giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, mà ngược lại sẽ có những tác động tiêu cực.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo TASS)
Chuyển động quân sự lớn của Mỹ tại nước NATO là láng giềng của Nga và Ukraine
Chuyển động quân sự lớn của Mỹ tại nước NATO là láng giềng của Nga và Ukraine

Các phương tiện chiến đấu, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams phiên bản tiên tiến nhất đã được bốc dỡ xuống cảng Gdynia, đánh dấu sự xuất hiện của các thiết bị hiện đại nhất của quân đội Mỹ tại Ba Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN