Thiếu sót của Lữ đoàn Ukraine do Pháp huấn luyện phản ánh khó khăn lớn của Kiev

Những thiếu sót của Lữ đoàn 155 không chỉ là vấn đề của một đơn vị mà còn cho thấy những thách thức lớn hơn mà Ukraine đang phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ Ukraine dưới chiến hào trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (rferl.org) và tờ Kyiv Post của Ukraine ngày 6/1, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài, những vấn đề trong tổ chức và vận hành của Lữ đoàn cơ giới độc lập số 155 (thuộc lực lượng vũ trang Ukraine), được huấn luyện và trang bị bởi Pháp, đã làm nổi bật những khó khăn của quân đội Ukraine. Những thiếu sót này không chỉ là vấn đề của một đơn vị mà còn phản ánh tình trạng chung của quân đội nước này trong cuộc chiến cam go.

Lữ đoàn 155 được thành lập như một đơn vị tiên phong theo chuẩn NATO, với sự huấn luyện bài bản tại Pháp và trang bị các loại vũ khí hiện đại như pháo Caesar 155mm và xe bọc thép VAB. Đơn vị này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu trong việc thay đổi cách tiếp cận chiến đấu của quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Sau khi trở về từ Pháp, Lữ đoàn trên phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đào ngũ, vấn đề chỉ huy và kiểm soát cùng với sự thiếu hụt trang thiết bị. Lữ đoàn trưởng, Đại tá Dmytro Ryumshin, bị thay thế ngay trước khi đơn vị tham gia chiến đấu. Hàng chục binh lính đã đào ngũ trong thời gian huấn luyện tại Pháp và lữ đoàn phải chia thành các đơn vị nhỏ để bổ sung cho các lữ đoàn khác. 

Cục Điều tra Nhà nước, cơ quan điều tra luật pháp hàng đầu của Ukraine, đã xác nhận rằng họ đang điều tra các báo cáo về việc binh lính đào ngũ.

Những vấn đề hệ thống

Theo các chuyên gia, những vấn đề của Lữ đoàn 155 không chỉ là vấn đề riêng lẻ mà còn phản ánh các hạn chế mang tính hệ thống của quân đội Ukraine. Các quyết định chính trị, thay vì dựa trên nhu cầu thực tế, đã dẫn đến việc thành lập các lữ đoàn mới mà không đủ thời gian và nguồn lực để huấn luyện.

Yuriy Butusov, phóng viên chiến trường nổi tiếng của Ukraine, nhận định: "Không có lý do gì để thành lập những lữ đoàn không đủ biên chế và không được huấn luyện đầy đủ. Việc thành lập một lữ đoàn mới cần ít nhất một năm, nhưng chúng ta (Ukraine) đã không có thời gian và sự chuẩn bị cần thiết".

Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do giao tranh kéo dài càng làm trầm trọng hơn những vấn đề này. Ukraine chưa xây dựng được một hệ thống tuyển dụng, huy động và huấn luyện bền vững, khiến các đơn vị hiện tại bị kiệt quệ.

Thực trạng trong Lữ đoàn 155 đã gây ra làn sóng phản ứng từ giới chính trị và binh lính. Một trung úy thuộc Lữ đoàn, trong cuộc phỏng vấn với RFE/RL, cho biết: "Chúng tôi không được đào tạo đầy đủ ở Pháp. Tôi chỉ huy 30 binh sĩ mà không biết phải làm gì. Đây là sự mạo hiểm mạng sống của binh lính".

Nghị sĩ Ukraine Maryana Bezuhla cũng bình luận về cách tổ chức Lữ đoàn 155, gọi đây là một quyết định "chắp vá" và "thiếu chiến lược". Quan điểm này được chia sẻ bởi nhà hoạt động và blogger Serhiy Sternenko, người nhấn mạnh: "Thành lập lữ đoàn mới trong khi các lữ đoàn hiện tại thiếu hụt nhân sự là một sự lãng phí nguồn lực".

Vũ khí hiện đại nhưng tổ chức yếu

Mặc dù được trang bị các loại vũ khí tối tân, như pháo Caesar và xe tăng Leopard, Lữ đoàn 155 không thể phát huy hiệu quả do thiếu sự phối hợp hiệp đồng và huấn luyện. Một số phương tiện quan trọng, như máy xúc đào chiến hào, đã bị hỏng ngay khi triển khai. Ngoài ra, Lữ đoàn không được trang bị đủ thiết bị bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất (FPV) – loại vũ khí được đánh giá là gây sát thương cao.

Theo các báo cáo, việc thiếu UAV đã làm giảm khả năng chiến đấu của Lữ đoàn và biến họ thành mục tiêu dễ dàng bị tấn công trên chiến trường. Một số binh sĩ thậm chí phải kêu gọi quyên góp từ cộng đồng để mua sắm thiết bị này, một minh chứng rõ ràng cho sự bất cập trong cung ứng.

Trước bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng một cách tiếp cận hiệu quả hơn là đưa các lữ đoàn dày dạn kinh nghiệm ra nước ngoài để huấn luyện thay vì thành lập mới. Điều này sẽ giúp tận dụng được nguồn nhân lực hiện có, đồng thời đảm bảo các đơn vị được huấn luyện kỹ càng hơn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ thống tuyển dụng và huấn luyện bền vững là điều cần thiết để bổ sung cho các đơn vị đang kiệt quệ. Đồng thời, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn trong việc triển khai và sử dụng các trang thiết bị quân sự.

Khi được hỏi về các vấn đề của Lữ đoàn 155, Văn phòng Tổng thống Pháp đã chuyển câu hỏi tới Bộ Quốc phòng Pháp. "Chính Lực lượng vũ trang Ukraine đã tổ chức tuyển chọn quân nhân Ukraine để thành lập lữ đoàn này và quản lý các quy trình. Ngoài ra, Lực lượng vũ trang Ukraine còn xác định các điều kiện để triển khai [Lữ đoàn] tại Ukraine", Bộ Quốc phòng Pháp phản hồi.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo rferl.org/kyivpost.com)
Nga đã tìm ra phương thức khắc chế hiệu quả tên lửa ATACMS từ Mỹ?
Nga đã tìm ra phương thức khắc chế hiệu quả tên lửa ATACMS từ Mỹ?

Cuộc đối đầu giữa "lá chắn thép" S-400 của Nga và "sát thủ" ATACMS từ Mỹ cho thấy một cuộc chạy đua công nghệ quân sự gay cấn giữa hai cường quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN