Theo hãng thông tấn TASS, khi được yêu cầu bình luận về hậu quả lâu dài của việc viện trợ quân sự cho Kiev, quan chức này nói rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã gây áp lực lên kho dự trữ vũ khí, các tổ hợp công nghiệp - quân sự của chính chúng ta. Đồng thời, điều này cũng gây ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ”.
Ông cho biết ngay từ đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tập trung đảm bảo rằng Washington không chấp nhận những rủi ro không cần thiết, nghĩa là không để cạn kiệt kho dự trữ vũ khí, gây suy yếu khả năng sẵn sàng và ứng phó của Mỹ trước các trường hợp khẩn cấp ở những khu vực khác trên thế giới.
Đồng thời, quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine không làm suy yếu năng lực quốc phòng của Mỹ.
“Vì vậy, tôi rất yên tâm rằng việc viện trợ cho Ukraine không đặt Mỹ vào tình thế nguy hiểm, song điều này chỉ ra rằng Washington có nhiều việc phải làm để phát triển ngành công nghiệp quân sự linh hoạt và hiệu quả hơn”, ông nói thêm.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và các quan chức Nga khác đã nhiều lần cảnh báo về khả năng vũ khí do phương Tây cung cấp “tràn” từ Ukraine sang các khu vực khác. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố nỗ lực quân sự hóa Ukraine của phương Tây đang gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh châu Âu và toàn cầu.
Trước yêu cầu của các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông nhấn mạnh Moskva không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine, mà mục đích của chiến dịch này nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa quốc gia láng giềng. Đáp lại, phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng ở nhiều lĩnh vực nhằm vào Nga. Kể từ khi xung đột bùng phát đến nay, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp hàng loạt vũ khí và phương tiện quân sự trị giá hàng chục tỷ USD cho Kiev.