Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, bà Williams cho biết trong khi ủy ban quân sự chung tìm cách thúc đẩy thoả thuận ngừng bắn thì hai bên vẫn chưa bắt đầu rút lực lượng. Hiện các lực lượng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) vẫn đóng quân tại Abu Grein, al-Washkah và tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra. Các chuyến bay chở hàng quân sự đã được giám sát tại các sân bay al-Watiya và Misrata. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar vẫn thiết lập các công sự và tiền đồn quân sự được trang bị hệ thống phòng không giữa Sirte và al-Jufra, cũng như ở khu vực phía Bắc của căn cứ không quân al-Jufra. Hoạt động của máy bay chở hàng cũng được giám sát giữa sân bay Benina, al-Jufra và al-Gardabiya.
Ngày 23/10, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của LHQ. Thoả thuận quy định tất cả các đơn vị quân đội và các nhóm vũ trang của GNA và LNA phải rút khỏi tiền tuyến, trong khi lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Libya trong vòng 90 ngày. Các nước Anh, Đức, Bỉ và Pháp đã kêu gọi các bên thực hiện cam kết quân sự và sự rút lui của lực lượng nước ngoài. Anh cho biết sẽ xem xét khả năng trừng phạt những cá nhân không tôn trọng thoả thuận này.
Sau khi rơi vào một cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính là GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và LHQ công nhận, trong khi LNA của Tướng Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga. Thoả thuận ngừng bắn đạt được vào tháng trước đã chính thức chấm dứt giao tranh giữa lực lượng của GNA và LNA. Sau thoả thuận này, tình hình tại Libya gần đây đã ghi nhận những tiến triển về các khía cạnh kinh tế và chính trị, làm dấy lên hy vọng về khả năng tiến tới một giải pháp toàn diện cho khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi.