Khói bốc lên sau một cuộc không kích tại Otaybah, Đông Ghouta, Syria ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong 11 ngày qua, đã có hàng trăm người thiệt mạng trong hàng loạt vụ ném bom ở Đông Ghouta, khu vực cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy. Trước tình hình trên, trong cuộc họp hàng tuần tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1/3, cố vấn của Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề nhân đạo Jan Egeland đã chỉ trích các nhà ngoại giao của 23 quốc gia tham dự cuộc họp đã không thể hỗ trợ các nhân viên của LHQ giúp đỡ người dân Syria. Ông nhấn mạnh sự tôn trọng luật pháp quốc tế không tồn tại tại khu vực Đông Ghouta, nơi khoảng 400.000 người bị mắc kẹt đang cần được điều trị y tế.
Trong khi đó, cho đến nay mới chỉ có một đoàn xe chở hàng cứu trợ được phép tiếp cận khu vực này hồi giữa tháng 2 vừa qua và chỉ đủ cung cấp cho 7.200 người. Ông Egeland cho rằng cần phải thiết lập hành lang nhân đạo "2 chiều", với một số đoàn xe cứu trợ mỗi tuần đến Đông Ghouta, trong khi phải đảm bảo sơ tán 1.000 trường hợp cần được điều trị y tế khẩn cấp. Theo quan chức này, lệnh ngừng bắn 5 giờ/ngày của Nga không đủ để các tổ chức nhân đạo có thể phân phát hàng hàng cứu trợ cũng như sơ tán y tế cho người dân ở Đông Ghouta.
Theo lời kêu gọi của Nga, ngày 27/2 là ngày đầu tiên áp dụng ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày tại Đông Ghouta. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã bị phá vỡ bởi bạo lực khi Moskva và Damascus cáo buộc các nhóm vũ trang bắn phá hành lang nhân đạo.
Cùng ngày, trao đổi với báo giới, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura khẳng định LHQ sẽ không từ bỏ nghị quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria trong vòng 30 ngày, vốn được Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thông qua trước đó.
Hôm 24/2, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết 2401 yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong vòng 30 ngày, để cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm hoặc bị thương ở khu vực Đông Ghouta của Syria. Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường".
Yêu cầu ngừng bắn không áp dụng cho các hoạt động quân sự chống Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, Al-Qaeda và các nhóm có liên hệ với mạng lưới khủng bố. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc triển khai một lệnh ngừng bắn toàn diện vào thời điểm hiện nay là khó khả thi bởi tìm được tiếng nói chung giữa nhiều lực lượng đang cùng hiện diện tại chiến trường này là một tiến trình phức tạp.