Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận và hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập ủng hộ.
Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập, ông Saleh cho rằng sự can thiệp của Ai Cập “sẽ là hợp pháp, dưới sự ủy nhiệm của nhân dân Libya” nhằm hỗ trợ quân đội miền Đông Libya trong trường hợp thành phố Sirte bị tấn công. Ông nhấn mạnh sự can thiệp này để bảo vệ an ninh quốc gia của Libya, cũng như bảo vệ an ninh biên giới phía Tây của Ai Cập qua việc ngăn chặn lực lượng tấn công tiến vào các khu vực được cho là đe dọa an ninh của Ai Cập.
Ông Saleh đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh những tuần gần đây, với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng của GNA đã đạt được nhiều bước tiến về quân sự trước LNA. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu LNA rút khỏi thành phố Sirte để hướng tới thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, phía Ai Cập đã để ngỏ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Libya để chặn đà tấn công của lực lượng hậu thuẫn GNA. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi Sisi tuyên bố rằng khu vực Sirte và al-Jafra là "ranh giới đỏ" đối với Ai Cập.