Phát biểu tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liệu LHQ có kế hoạch tham gia một cách tích cực hơn vào việc giải quyết vấn đề gia hạn Hiệp ước START-3 hay không, ông Dujarric nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng các hiệp ước, như START-3, là một phần không thể tách rời trong lĩnh vực không phổ biến và giải giáp vũ khí. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ tìm thấy tiếng nói chung và đi đúng hướng".
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Moskva vẫn chưa nhận được tín hiệu từ phía Washington về ý định gia hạn Hiệp ước START-3. Ông Ryabkov lưu ý rằng Washington, theo tất cả các dấu hiệu cho thấy, có lẽ sẽ quyết định không gia hạn hiệp ước. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân 3 bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ vì theo quan điểm của Washington, Hiệp ước START-3 có một số thiếu sót và "lỗi thời". Tuy nhiên, cả Bắc Kinh cũng như Moskva đều bác bỏ ý tưởng này.
START-3 được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm. Nga coi START mới là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới", song Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này.