Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đặt vấn đề nối lại chế tạo máy bay ném bom siêu âm chiến lược Tu-160 - đã ngừng sản xuất từ đầu thập niên 1990. Nhu cầu của Không quân Nga đối với loại máy bay này là không thể bàn cãi song tính khả thi của dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.Máy bay ném bom siêu âm chiến lược Tu-160. |
Ông Shoigu đã đặt mục tiêu chế tạo lại siêu máy bay ném bom Tu-160 tại Nhà máy chế tạo máy bay Kazan mang tên Gorbunova (KAZ). Ông nói trong chuyến thăm nhà máy: "Ngày hôm nay cần có quyết định về nhiệm vụ không chỉ bảo dưỡng và hiện đại hóa phi đội máy bay tầm xa, mà cả việc nối lại chế tạo máy bay mang tên lửa Tu-160". Theo ông Shoigu, Tu-160 là "cỗ máy đặc biệt đi trước thời đại nhiều thập kỷ và cho tới nay vẫn chưa khai thác hết các khả năng của nó".
Tu-160 là máy bay lớn nhất và mạnh mẽ nhất trong lịch sử hàng không quân sự. Loại máy bay siêu âm này có thiết kế "cánh cụp cánh xòe", là máy bay chiến đấu nặng nhất thế giới với khối lượng nâng lớn nhất trong số các máy bay ném bom và được phi công đặt tên là "Thiên nga Trắng".
Máy bay này được chế tạo trong giai đoạn 1984-1992 với tổng cộng 34 chiếc trong đó hơn một nửa - 19 chiếc - thuộc sở hữu của Ukraine sau khi Liên Xô tan rã. Kiev cho rằng họ không cần tới loại máy bay này và tái chế chúng để nhận số tiền 1 triệu USD từ Mỹ cho mỗi chiếc máy bay phá hủy. 8 chiếc trong số này được giữ lại và được chuyển cho Moskva sau những cuộc đàm phán kéo dài. Kiev yêu cầu đổi mỗi chiếc máy bay Xô Viết lấy 2 chiếc máy bay vận tải Il-76 hoặc trừ tiền nợ khí đốt. Và cuối cùng phương án 2 được Nga chấp nhận.
Hiện không quân Nga có 16 chiếc Tu-160. Các máy bay đang được nâng cấp và dự kiến công việc sẽ hoàn tất năm 2020. Trước đó, ông Shoigu cho rằng số lượng Tu-160 hiện có là không nhỏ song để duy trì khả năng trực chiến thường xuyên - tuần tra các khu vực khác nhau trên thế giới - số lượng này không đủ. Hiện không một máy bay nào khác của Nga có thể thực hiện các chức năng thay cho Tu-160. Máy bay ném bom tương lai của Nga - Tổ hợp máy bay tiềm tàng Máy bay tầm xa (PAK DA) - chỉ được chế tạo trong thập kỷ tới.
Chính vì vậy theo các chuyên gia, việc nối lại chế tạo Tu-160, để đáp ứng nhu cầu của Không quân Nga trong tương lai gần, là điều rất có ý nghĩa. Tuy nhiên vấn đề này nảy sinh một loạt vấn đề: Thứ nhất, một số linh kiện của máy bay được chế tạo ở Ukraine; Thứ 2, dù phần lớn linh kiện được chế tạo tại Nga song sau 2 thập kỷ bỏ bễ, cần khôi phục lại dây chuyền chế tạo, một số máy công cụ, đồng thời nhiều chuyên gia từng tham gia chế tạo loại máy bay nay cũng đã nghỉ hưu.
Vào thập niên 1980 không có các máy tính hiện đại, nên tất cả tài liệu về loại máy bay này nhiều khả năng chỉ ở dạng "analog" và để chuyển chúng sang các điều kiện mới đòi hỏi thời gian và tiền bạc. Ngành hàng không đã có những bước tiến mạnh mẽ nên khi nối lại chế tạo Tu-160 cần trang bị cho máy bay các thiết bị mới. Có vẻ như các nhà chế tạo máy bay Nga vẫn chưa sẵn sàng giải quyết những vấn đề này.
Duy Trinh