Kênh tin tức Aljazeera (Qatar) cho biết lý do là New Delhi và Bắc Kinh đã ký “Thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc về Các biện pháp xây dựng lòng tin ở Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại biên giới Trung Quốc- Ấn Độ” hồi tháng 11/1996.
Theo thỏa thuận này, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ không được nổ súng hoặc dùng thiết bị nổ trong phạm vi 2km của LAC, trừ trường hợp huấn luyện. Điều kiện này nhằm “ngăn chặn hoạt động quân sự nguy hiểm tại LAC”.
Hai nước cũng nhất trí giảm hoặc hạn chế quân số dọc LAC. Trung Quốc và Ấn Độ đồng thời chấp nhận hạn chế một số loại vũ khí như xe tăng, xe quân sự bộ binh, pháo cỡ nòng 75mm trở lên, súng cối cỡ nòng 120mm trở lên, tên lửa đất đối đất, tên lửa đất đối không. Chiến đấu cơ cũng không được bay trong phạm vi 10km gần LAC mà không có thông báo trước.
Con số thương vong trong xung đột vừa qua tại biên giới Trung Quốc và Ấn Độ phản ánh tính chất nghiêm trọng của sự việc. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng nếu thỏa thuận năm 1996 không được tuân thủ, đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới có thể leo thang thành xung đột vũ trang dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Kể từ cuộc chiến tranh năm 1962, Ấn Độ và Trung Quốc chưa có biên giới phân định chính xác trên dãy Himalaya. Hậu quả là khu vực này trở thành nơi thường xuyên xảy ra xung đột giữa lực lượng vũ trang của hai bên.
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ.