Bộ Ngoại giao Mỹ đã không chuẩn bị đầy đủ cho tình huống chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh chóng như một phần trong kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, đánh giá nội bộ của Bộ trên cho biết.
Chính phủ Mỹ từng tuyên bố sẽ hoàn tất việc rút quân trước tháng 9/2021, kỳ vọng chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sẽ tiếp tục nắm quyền và tiếp tục đàm phán hòa bình với Taliban.
Tuy nhiên, khi quá trình rút quân của Mỹ được tiến hành, Chính phủ Afghanistan nhanh chóng sụp đổ và Tổng thống khi đó là Ashraf Ghani đã rời khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021 trong bối cảnh Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Điều này dẫn đến một cuộc sơ tán hỗn loạn của nhân viên Mỹ và Afghanistan khỏi sân bay Kabul.
Cuộc sơ tán kéo dài hai tuần đã khiến ít nhất 175 người khi thiệt mạng khi quân đội NATO nổ súng bừa bãi vào đám đông thường dân tụ tập bên ngoài sân bay sau khi một thành viên của lực lượng thánh chiến IS đánh bom tự sát.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan sau hơn 20 năm can thiệp đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng” đối với Afghanistan cũng như khả năng tồn tại của chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.
Báo cáo cho thấy dưới thời cả hai tổng thống, "các quan chức cấp cao không xem xét đầy đủ các tình huống xấu nhất và những diễn biến nhanh chóng như thế nào", lưu ý khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul vào giữa tháng 8 - sớm hơn nhiều so với dự đoán - Bộ Ngoại giao Mỹ đã "đối mặt với một nhiệm vụ có quy mô và độ phức tạp chưa từng có".
"Phạm vi và quy mô của cuộc di tản này là rất bất thường, không có tình huống nào có thể so sánh được kể từ khi Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam vào năm 1973”, báo cáo cho biết. Mặc dù Mỹ đã sơ tán khoảng 125.000 người - trong đó có gần 6.000 công dân Mỹ - 13 lính Mỹ và hơn 150 người Afghanistan đã chết trong một vụ đánh bom tự sát trong chiến dịch.
Khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở vào đầu năm 2021, "những câu hỏi chính vẫn chưa được trả lời" về việc duy trì đại sứ quán ở Kabul và số phận của các đồng minh Afghanistan sau khi rút quân”, báo cáo cho biết. Bản đánh giá cũng lặp lại những tuyên bố trước đây của Nhà Trắng rằng Tổng thống Trump khi đó đã không lên kế hoạch đầy đủ cho việc rút quân của Mỹ sau khi đạt được thỏa thuận với Taliban để rút quân vào tháng 5/2021, thời hạn mà sau đó Tổng thống Biden đã hoãn lại.
Theo báo cáo, có "một tồn đọng đáng kể" trong quá trình cấp thị thực nhập cư đặc biệt (SIV), cho phép người Afghanistan có thể gặp nguy cơ bị Taliban trả thù vì làm việc với các lực lượng Mỹ trong chiến tranh, di cư sang Mỹ.
Khi Tổng thống Biden nhậm chức, ông quyết định tiến hành rút quân với thời hạn mới: ngày 11/9/2021. Báo cáo cho biết các quan chức chính quyền hàng đầu "đã thực hiện các bước để đẩy nhanh quá trình SIV".
Nhưng việc quân đội Mỹ nhanh chóng rút khỏi Afghanistan đã làm phức tạp thêm những khó khăn mà Bộ Ngoại giao Mỹ gặp phải trong việc "giảm thiểu sự mất mát cho những người hỗ trợ quan trọng của quân đội", báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cũng chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Biden chuyển căn cứ không quân Bagram cho chính phủ Afghanistan, vì nó khiến sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul là con đường sơ tán khả thi duy nhất.
Báo cáo đưa ra một loạt khuyến nghị cho toàn bộ Bộ Ngoại giao, bao gồm lập kế hoạch tốt hơn cho "các tình huống xấu nhất" và đảm bảo "rằng các quan chức cấp cao nắm bắt được nhiều quan điểm nhất có thể”, đồng thời thừa nhận rằng việc sơ tán khỏi Afghanistan nên bắt đầu sớm hơn.
Mỹ và một liên minh gồm các đồng minh của họ đã xâm lược Afghanistan vào năm 2001 như một phần của cái gọi là "Cuộc chiến chống khủng bố", trong đó Chính quyền Bush đã lãnh đạo và tìm cách xâm chiếm 7 quốc gia ở Tây Á trong vòng 5 năm.