Theo tờ Politico (Mỹ), các quan chức Mỹ cho rằng một trong những động lực khiến Tổng thống Vladimir Putin đạt được thỏa thuận với người đứng đầu Wagner là nhằm tránh bạo lực lan rộng ở Nga.
Điều đó đã khiến một số quan chức ở Mỹ tự hỏi liệu họ có thể đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí tầm xa, sát thương hơn - bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 hay không.
Theo quan điểm của họ, “lằn ranh đỏ” của Nga có thể sẽ “mềm” hơn dự kiến và Tổng thống Nga Putin có thể chọn không leo thang vì sợ bất ổn lan rộng, Politico dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết trong điều kiện giấu tên.
Trước đó trả lời câu hỏi liệu cuộc binh biến của Wagner có thể là cơ hội để Ukraine tổ chức phản công hay không trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Ngoại trước Mỹ Antony Blinken nói: "Tôi nghĩ rằng có một số cơ hội trong đó". Tuy nhiên, ông Blinken nói thêm rằng các quan chức Mỹ vẫn đang chờ xem các sự kiện diễn ra như thế nào.
Tờ Politico lưu ý rằng trong ngắn hạn, rõ ràng là hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Vilnius (Litva) sau hơn 1 tuần nữa, sẽ có một tầm quan trọng mới. Ngoại trưởng Blinken ám chỉ về một "gói mạnh mẽ hỗ trợ cho Ukraine" sẽ được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo NATO ở Vilnius. Nhưng cũng có khả năng là các kế hoạch của NATO về khả năng gia nhập của Ukraine có thể thay đổi do những diễn biến ở Nga.
Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (công ty tư vấn rủi ro chính trị), nhận định rằng: "Đó vẫn là một rào cản cao [đối với tư cách thành viên NATO tiềm năng của Ukraine] bởi vì tất cả 31 quốc gia [NATO] phải đồng ý. Nhưng điều này sẽ hữu ích. Phương Tây giờ đây không còn lý do để lo lắng về những ‘lằn ranh đỏ’ của Moskva, trong khi càng có nhiều lý do để lo lắng về cách chuẩn bị cho một tình huống khó lường ở Nga".