Trong tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết gói viện trợ trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine bao gồm "đào tạo, trang thiết bị và tư vấn nhằm giúp các lực lượng của Ukraine giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm biên giới và cải thiện khả năng tương tác với NATO".
Khoản tiền viện trợ sẽ được sử dụng để trang bị 2 tàu tuần tra Mark VI có vũ trang; radar chống pháo và thiết bị chiến thuật; hỗ trợ khả năng phân tích và hình ảnh vệ tinh; và thiết bị cho quân y quy trình di tản chiến đấu.
Trong khi đó, khoản hỗ trợ 150 triệu USD được Quốc hội Mỹ phân bổ vào năm tài chính 2021 để thúc đẩy cải cách quốc phòng của Ukraine.
Theo Tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ khuyến khích Ukraine tiếp tục thực hiện các cải cách nhằm tăng cường kiểm soát dân sự đối với quân đội, thúc đẩy tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mua sắm quốc phòng, đồng thời hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng trong các lĩnh vực chủ chốt khác phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của NATO.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 2 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2014 khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga.
Năm 2019, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đóng băng sự hỗ trợ, động thái mà đảng Dân chủ cho rằng nhằm để buộc chính quyền Kiev cản trở quá trình tranh cử của ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden, dẫn đến việc ông Trump bị luận tội vào tháng 12/2019.
Liên quan vấn đề trên, ngày 24/2, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Ukraine, Trung tướng Sergei Korneichuk nêu rõ điều quan trọng là phải đạt được sự tương thích của quân đội nước này với các lực lượng của NATO, cũng như nhận được hỗ trợ tài chính. Ông cho biết năm 2021 Ukraine sẽ tiếp tục thực hiện cải cách phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO và Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các vũ khí như hệ thống tên lửa bờ biển Neptune, tàu trinh sát cỡ trung, tàu tuần tra lớp Island và các loại vũ khí khác.