Ngày 28/3, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định nhóm máy bay EA-18G Growler này được triển khai nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dọc theo sườn phía Đông của châu Âu, chứ hoàn toàn không nhằm mục đích chống lại quân đội Nga tại Ukraine.
Ông Kirby cho biết các máy bay gây nhiễu sóng trên đã cất cánh từ Căn cứ Hải quân Đảo Whidbey ở bang Washington để đến Căn cứ Không quân Spangdahlem ở Đức.
Là phiên bản nâng cấp của F/A-18, EA-18G Growler chuyên tác chiến điện tử, sử dụng cảm biến để gây nhiễu cho radar và hệ thống phòng không của đối phương.
Trong bản đề xuất ngân sách được công bố hôm 28/3, Nhà Trắng tiết lộ có kế hoạch chi 6,9 tỷ đô la Mỹ để giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, cũng như hỗ trợ các nước thành viên của liên minh NATO.
Kể từ rơi vào tình trạng xung đột, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã liên tiếp thúc giục các nước NATO gửi thêm vũ khí cho Ukraine, bao gồm máy bay chiến đấu tiên tiến, hệ thống phòng thủ tên lửa, xe tăng, xe bọc thép và tên lửa chống hạm.
Cho đến nay, Mỹ đã loại trừ khả năng gửi máy bay hoặc các hệ thống vũ khí lớn khác tới Ukraine. Bởi lẽ, Tổng thống Joe Biden khẳng định không muốn vượt qua “giới hạn đỏ” dẫn đến Thế chiến thứ ba.
Ngày 28/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 28/3 đã phát động sáng kiến ngừng bắn nhân đạo tại Ukraine. Tổng thư ký Guterres cho biết cơ quan này đang làm việc với các bên liên quan nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn vì mục đích nhân đạo tại Ukraine. Ông nhấn mạnh các bên liên quan cần phải tìm ra giải pháp chính trị, không thể để tình trạng như hiện nay tiếp diễn.
Sau một tháng xảy ra xung đột tại Ukraine, đã có nhiều người thiệt mạng, khoảng 10 triệu người mất chỗ ở và hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy, giá thực phẩm và năng lượng bị đẩy lên mức cao kỷ lục.