Xe quân sự Mỹ tại khu vực huấn luyện ở Paju, Hàn Quốc ngày 20/3. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Hơn 11.000 binh lính Mỹ, bao gồm cả quân tiếp viện từ nước ngoài và 300.000 binh lính Hàn Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận mang tên "Đại bàng non" được rút ngắn xuống còn một tháng và không có sự tham gia của các khí tài chiến lược của Mỹ như siêu hàng không mẫu hạm hoặc tàu ngầm hạt nhân. Trong khi đó, cuộc tập trận "Giải pháp then chốt" giả định bằng máy tính sẽ được tổ chức trong 2 tuần bắt đầu vào ngày 23/4 sẽ có sự tham gia của 12.000 binh lính Mỹ.
Giới chức quân đội quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc nhấn mạnh các cuộc tập trận năm nay không có sự thay đổi lớn về số lượng binh lính tham gia, chương trình cũng như cường độ luyện tập. Tuy nhiên, thời gian diễn tập sẽ được rút ngắn xuống còn 1 tháng, chỉ bằng một nửa so với năm 2017.
Quyết định này được nhìn nhận là một nỗ lực không khiêu khích Triều Tiên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều lần lượt diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 tới. Liên quân Hàn-Mỹ thường tổ chức tập trận chung thường niên vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, nhưng năm nay kế hoạch đã bị trì hoãn do trùng với thời điểm diễn ra Olympic PyeongChang và Paralympic PyeongChang 2018.
Trước đó ngày 31/3, hãng tin Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới. Thông tin trên được đưa ra dù gần đây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang được giảm bớt trước thềm các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều.
Triều Tiên thường gọi các cuộc tập trận trên là một cuộc "diễn tập cho chiến tranh" và đe dọa có biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, trong một cuộc gặp Giám đốc Văn phòng an ninh của Phủ tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Triều Tiên hiểu rằng Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục các cuộc tập trận chung "thường kỳ". Sự thay đổi thái độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tạo điều kiện cho kế hoạch gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể diễn ra vào tháng 5 tới.