Theo kênh CNN, Mỹ đang lên kế hoạch chuyển giao các hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine, theo một phần của gói viện trợ an ninh và quân sự lớn hơn cho nước này để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Thông báo này có thể được công bố trong tuần tới.
Loại vũ khí này vốn nằm trong yêu cầu hàng đầu của các quan chức Ukraine. Trong những tuần gần đây, giới chức cấp cao của Ukraine - bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky - đã đề nghị Mỹ và các đồng minh cung cấp hệ thống tên lửa đa phóng (MLRS) cho nước này. Các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất có thể bắn một loạt tên lửa xa hàng trăm km - xa hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống nào mà Ukraine đang sở hữu. Kiev cho rằng hệ thống này có thể giúp xoay chuyển tình thế chiến sự.
Ngoài ra, theo nguồn tin, một hệ thống khác mà Ukraine đã yêu cầu là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Loại vũ khí này có hệ thống bánh lốp nhẹ hơn và có khả năng bắn nhiều loại đạn tương tự MLRS.
Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống Biden đã cân nhắc trong nhiều tuần về việc có nên gửi các hệ thống này cho Ukraine hay không. Hội đồng An ninh Quốc gia lo ngại Ukraine có thể sử dụng MLRS và HIMARS để thực hiện các cuộc tấn công bên trong nước Nga. Nguồn tin cho biết vấn đề này đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại 2 cuộc họp vào tuần trước tại Nhà Trắng.
Trọng tâm của vấn đề là mối quan tâm tương tự mà chính quyền Mỹ đã phải đối mặt kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhà chức trách lo ngại liệu việc gửi vũ khí hạng nặng tối tân hơn tới Ukraine có bị Nga coi là một hành động khiêu khích và kích hoạt một số biện pháp đáp trả chống lại Mỹ hay không.
Các nguồn tin cho biết điểm đặc biệt của các hệ thống tên lửa này là phạm vi tấn công của chúng. MLRS và phiên bản có trọng lượng nhẹ hơn - HIMARS, có thể phóng xa tới 300 km, tùy thuộc vào loại bom, đạn. Chúng được bắn từ một phương tiện cơ động vào các mục tiêu trên đất liền, từ đó cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga dễ dàng hơn.
Về phần mình, Nga tuyên bố rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với lãnh thổ quốc gia cũng sẽ làm leo thang xung đột, đồng thời cho rằng các nước phương Tây đang biến mình thành mục tiêu hợp pháp trong cuộc chiến bằng cách tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ngoài ra, mối quan tâm lớn khác trong Chính quyền của Tổng thống Biden đó là liệu Mỹ có đủ khả năng viện trợ nhiều vũ khí cao cấp được lấy từ kho dự trữ của quân đội của nước này hay không. Chính quyền Mỹ cũng có những lo ngại tương tự về việc cung cấp cho Ukraine thêm máy bay chiến đấu MiG-29. Tuy nhiên, Mỹ đã quyết định không trang bị cho Ba Lan các máy bay phản lực mới, vì e ngại Warsaw sẽ trang bị cho Kiev những chiếc MiG thời Liên Xô.
Cuộc tranh luận về việc viện trợ MLRS cho Ukraine tương tự như cuộc tranh luận diễn ra trước khi Mỹ quyết định gửi các pháo hạm tầm xa, hạng nặng hơn tới Ukraine vào tháng trước. Các gói viện trợ này bao gồm khí tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không tầm ngắn Stinger, cũng như nhiều loại vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ. Vào thời điểm đó, khẩu đội lựu pháo M777 mà Mỹ viện trợ cho Ukraine được cho là có tầm hoạt động và sức mạnh lớn hơn so với các hệ thống trước đó, nhưnghệ thống này cũng chỉ đạt tầm bắn khoảng 25 km. MLRS có thể bắn xa hơn nhiều so với bất kỳ loại pháo nào mà Washington đã gửi cho Kiev tính đến nay.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Jason Crow cho rằng các hệ thống MLRS và HIMARS có thể giúp Ukraine tăng cường đáng kể sức mạnh để đói phó với Nga. Ông nói: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ nó có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi”. Ông giải thích rằng pháo binh thông thường của Nga, có tầm bắn khoảng 50km “sẽ không thể đến gần” các trung tâm đô thị của Ukraine nếu hệ thống MLRS được bố trí ở đó. “Vì vậy, nó sẽ phá tan chiến thuật bao vây của Moskva”.