Theo hãng tin AP, tại cuộc họp trực tuyến của Nhóm liên lạc quốc phòng về Ukraine tại Lầu Năm Góc hôm 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từ chối công khai thông tin Mỹ có chuyển giao các bệ phóng tên lửa di động công nghệ cao cho Ukraine hay không. Tuy nhiên, ông Austin hé lộ rằng khoảng 20 quốc gia đã cam kết gửi các gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 3.
Cụ thể, ông cho biết Đan Mạch đã đồng ý gửi một bệ phóng và tên lửa chống hạm tầm xa Harpoon đến Ukraine để giúp Kiev bảo vệ bờ biển quốc gia. Theo hãng tin này, Hải quân Nga đã sử dụng tàu chiến bắn tên lửa hành trình tầm xa phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Tàu Nga cũng ngăn chặn các tàu thương mại cập cảng Ukraine.
Ngoài ra, ông Austin cho biết thêm rằng Cộng hòa Séc gần đây đã viện trợ trực thăng tấn công, xe tăng và tên lửa cho Ukraine. Italy, Hy Lạp, Na Uy và Ba Lan đã công bố các khoản viện trợ mới cho Ukraine gồm các hệ thống pháo và đạn dược.
Tại cuộc họp, giới chức Ukraine cũng trình bày rõ nhu cầu an ninh của nước này. Bộ trưởng Mỹ nhận định tất cả yêu cầu này đều phù hợp với những gì mà phương Tây đang viện trợ cho Kiev trong vài tuần gần đây, như hệ thống tên lửa và pháo tầm xa, tàu sân bay xe bọc thép và thiết bị bay không người lái.
Kết thúc cuộc họp, ông Austin cho biết: “Chúng tôi đã hiểu rõ hơn về các yêu cầu ưu tiên của Ukraine và tình hình trên chiến trường. Nhiều quốc gia đang tài trợ đạn pháo vô cùng cần thiết, hệ thống phòng thủ bờ biển và xe tăng, phương tiện bọc thép khác cho Kiev. Những nước khác đưa ra cam kết mới về việc huấn luyện binh sĩ Ukraine”.
Hiện Mỹ và nhiều quốc gia khác đang huấn luyện lực lượng Ukraine ở các nước châu Âu.
Trong khi đó, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết cuộc thảo luận cấp thấp vẫn đang diễn ra, liên quan đến cách thức Mỹ có thể điều chỉnh việc huấn luyện các lực lượng Ukraine và liệu nước này có nên điều một số binh sĩ tới Ukraine hay không.
Mỹ đã rút một lượng binh sĩ của mình ở Ukraine trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giếng vào cuối tháng 2. Hiện Lầu Năm Góc chưa có kế hoạch đưa quân trở lại nước này. Tuy nhiên, bình luận của ông Milley để ngỏ khả năng quân đội Mỹ có thể quay trở lại đảm bảo an ninh cho đại sứ quán hoặc một vai trò phi chiến đấu khác.
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đã mở cửa trở lại một phần và đang tăng nhân lực trở lại. Động thái này làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu Mỹ có cử lực lượng an ninh Thủy quân lục chiến đến bảo vệ đại sứ quán, hoặc có nên xem xét các lựa chọn khác hay không.
Tại cuộc họp, Tướng Milley cũng cung cấp thông tin chi tiết nhất từ trước đến nay về việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu kể từ cuối tháng 2. Theo đó, mùa thu năm ngoái, Mỹ có khoảng 78.000 binh sĩ tại châu Âu và con số này hiện tăng lên 102.000, trong đó bao gồm các thành viên tại 24 tàu chiến, 4 tàu ngầm, 12 phi đội tiêm kích, 2 đơn vị tác chiến không quân, 6 lữ đoàn lục quân, cùng các chỉ huy sư đoàn và quân đoàn.