Việc Trung Quốc thử tên lửa siêu vượt âm có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ hạt nhân của Mỹ rất gần với “thời khắc Sputnik” – Tướng Milley nêu quan điểm trong buổi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 27/10.
“Thời khắc Sputnik” là khái niệm được Tổng thống Dwight D. Eisenhower nêu ra sau khi Liên Xô vượt qua Mỹ trở thành nước đưa vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik vào không gian. Gần đây, giới tướng lĩnh Mỹ có xu hướng sử dụng cụm từ “thời khắc Sputnik” của thời kỳ Chiến tranh Lạnh để cảnh báo về sự tụt hậu của Mỹ trong cuộc đua vũ khí vượt siêu âm.
Trước đó, tờ Financial Times đưa tin Trung Quốc trong mùa hè vừa qua đã tiến hành hai vụ thử tên lửa siêu vượt âm. Giới chức Trung Quốc thừa hiểu các vụ thử này khó thoát khỏi mạng lưới vệ tinh của Mỹ. Nhưng Lầu Năm Góc gần như không lên tiếng về vụ việc này. Phát biểu của Tướng Milley vì thế được coi là lời xác nhận chính thức đầu tiên của phía Mỹ đối với vụ thử vũ khí siêu vượt âm này.
“Tôi không biết liệu đó có phải là ‘thời khắc Sputnik’ hay không, nhưng có lẽ rất gần với điểm đó”, ông Milley phát biểu. Người đứng đầu Lầu Năm góc cũng nhìn nhận đây là “sự kiện công nghệ có ảnh hưởng lớn” mà Mỹ cần phải đặc biệt chú ý.
Vũ khí siêu vượt âm có lịch sử lâu dài, khởi nguồn từ thập niên 1960. Nhưng vụ thử mới khiến Mỹ bất ngờ bởi nó cho thấy Trung Quốc đã làm chủ hai công nghệ khác biệt: Phóng lên không trung một tên lửa mà sau đó hoàn tất một phần quỹ đạo trái đất, kế đến là một phương tiện siêu vượt âm có khả năng thay đổi bất ngờ quỹ đạo bay, vượt khỏi tầm đánh chặn của những hệ thống phòng thủ tên lửa đã lỗi thời của Mỹ.
Các hệ thống phòng thủ được bố trí trên đất liền Mỹ chủ yếu tập trung trên hướng tây và hướng bắc Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu một thất bại trong một cuộc tấn công từ hướng nam. Hơn thế, ngay cả khi Mỹ triển khai căn cứ chống tên lửa ở rìa nam, công nghệ hiện tại chủ yếu dựa trên thiết kế để đánh chặn đầu đạn tên lửa đạn đạo liên lục địa có quỹ đạo bay parabol có thể đoán định được, chứ không chặn được vũ khí siêu vượt âm có đường bay dích dắc trong khí quyển.
“Chúng ta không thể biết sẽ bảo vệ theo cách nào trước công nghệ đó, dù là đòn tấn công từ Nga hay Trung Quốc”, Đại sứ Robert A. Wood - đại diện thường trực của Mỹ đặc trách giải trừ vũ khí nêu quan điểm.
“Thời khắc Sputnik” mà ông Milley nói tới cũng có thể làm sống lại cuộc chạy đua vũ trang từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng dưới một hình thức mới. Mỹ cũng có chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu vượt âm cho riêng mình, như cách mà Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên đang làm. Nhưng chương trình của Mỹ gặp phải những khó khăn kỹ thuật, mà tiêu biểu là vụ phóng thử thất bại hồi tuần trước.
Mỹ bắt tay nghiên cứu công nghệ vũ khí siêu vượt âm – được định nghĩa là vũ khí có vận tốc lớn hơn ít nhất năm lần tốc độ âm thanh, từ hơn 50 năm trước đây. Trung tâm nghiên cứu RAND (Mỹ) từ năm 2017 khẳng định hơn 20 nước, trong đó có Trung Quốc, tiến hành thử nghiệm vũ khí này.
Động cơ của việc theo đuổi cũng rất rõ ràng: Khi Mỹ triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thái Bình Dương, chủ yếu là để kiềm chế Triều Tiên, các nhà chiến lược của Trung Quốc muốn chứng minh một điều: Trung Quốc dễ dàng hóa giải công nghệ chống tên lửa – công nghệ mà Mỹ đã chi hơn 400 tỉ USD để phát triển trong nhiều thập kỉ trước đó.
Từ năm 2014, Trung Quốc đã thực hiện một loạt vụ thử thiết bị siêu vượt âm. Nước này cũng đã đưa vào phiên chế loại tên lửa tầm trung DF-17. Tên lửa này - với phần đầu được gắn thiết bị lượn siêu vượt âm, thường xuyên xuất hiện trong các lễ duyệt binh, với hình ảnh được phổ biến rộng rãi.