Hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận định Bộ Quốc phòng Mỹ đang chủ trương trang bị hỏa lực mạnh hơn cho các máy bay ném bom ở thời điểm nước này chủ trương đối trọng với Trung Quốc do Bắc Kinh ngày càng hành động quyết đoán.
Ngày 21/7, hai máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ cất cánh từ Guam và hướng đến Thái Bình Dương, bay qua tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tập trận tại vùng biển này.
Theo thông tin từ Không quân Mỹ, từ cuối tháng 1, nhiều máy bay ném bom B-1B và B-52 của nước này đã 20 lần bay qua những khu vực then chốt như Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản. Các nhà phân tích quân sự đánh giá động thái này nhằm gửi thông điệp tới Bắc Kinh: Mỹ có thể hành động mà không cần phải cử tàu sân bay hoặc chiến hạm mà chỉ cần chiến đấu cơ từ những căn cứ ở xa.
Máy bay ném bom B1-B được phiên chế từ năm 1986, còn phi đội B-52 vốn hình thành từ thời chính quyền Tổng thống John F. Kennedy. Một chiếc B-1B có thể mang theo 24 tên lửa chống hạm mới của Mỹ có tầm bắn 600 km khi B-1B đang được tăng cường vai trò diệt hạm. Trong thời gian tới, máy bay ném bom này có khả năng được trang bị tên lửa siêu thanh mới và tên lửa hành trình tầm xa mới.
Ông David Deptula tại Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell nói: “Chỉ một chiếc B-1 có thể chở theo lượng vũ khí tương đương cả nhóm tấn công tàu sân bay trong một ngày”. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong khủng hoảng, máy bay ném bom thường được triển khai nhanh chóng.
“Pháo đài bay” B-52 tuy chở được lượng vũ khí khiêm tốn hơn B-1B nhưng vẫn có thể mang theo 14 tên lửa chống hạm Harpoon. Trong thời gian tới, B-52 được nâng cấp để mang theo 20 tên lửa chống hạm tầm xa. Cùng với B-2, B-52 cũng có thể phóng tên lửa hạt nhân.
Dưới đây là video về B-52 tại Guam (Nguồn: Military Machine)
Người phát ngôn Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương – bà Veronica Perez nhấn mạnh rằng việc tăng cường công khai về các nhiệm vụ của máy bay ném bom là nhằm đảm bảo với đồng minh và đối tác của Washington về cam kết đối với an ninh toàn cầu, ổn định khu vực và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở, tự do.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ trích Trung Quốc về nhiều vấn đề, bao gồm tăng cường quân sự, tham vọng lãnh thổ, đánh cắp tài sản trí tuệ, do thám, thất bại trong cảnh báo thế giới về nguy cơ của đại dịch COVID-19…
Với việc phối hợp máy bay ném bom và tên lửa tầm xa, Mỹ hướng tới thay đổi tình thế khi xảy ra xung đột. Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển lực lượng trên bộ, trên không và tên lửa được coi có thể đe dọa chiến hạm Hải quân Mỹ. Chiến lược của Trung Quốc là xử lý mối đe dọa từ nhóm tác chiến tàu sân bay cùng mạng lưới các căn cứ quân sự hình thành “xương sống” sức mạnh Mỹ tại châu Á.
Sau khi Mỹ đưa hai tàu sân bay tới Biển Đông, trong tháng 7 quân đội Trung Quốc đã phóng thử tên lửa “diệt hàng không mẫu hạm” DF-26. Trung Quốc cũng “xây dựng” một trong những lực lượng hải quân hùng hậu nhất trên thế giới khi trang bị tàu sân bay mới, tàu khu trục và tàu tuần dương.
Các chuyên gia phân tích rằng Mỹ và đồng minh vẫn sở hữu hạm đội tàu ngầm nguy hiểm đối với chiến hạm Trung Quốc. Tuy nhiên, các máy bay ném bom lại lấp đầy được khoảng trống hỏa lực của các hạm đội Mỹ ở thời điểm Lầu Năm Góc đưa ra phiên bản tàu khu trục và tàu tuần dương mới, đồng thời thay đổi mục đích của những tên lửa hiện hành.
Ngoài ra, các máy bay ném bom của Mỹ vẫn là yếu tố đáng gờm nếu Trung Quốc tấn công tên lửa vào những căn cứ then chốt của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam. 5 chiếc B-52 Stratofortresses rời căn cứ không quân Andersen tại Guam vào ngày 17/4, điều này đồng nghĩa với việc chương trình “Máy bay ném bom hiện diện thường trực” (CBP) chấm dứt tại đây. Từ thời điểm này, Mỹ chỉ cử máy bay đến Guam về ngắn hạn. Để tăng cường bảo vệ cho Guam, Đô đốc Philip Davidson đã đề nghị quốc hội Mỹ dành ngân sách cho hệ thống phòng thủ tên lửa tại đảo năm 2026.
Ngày 21/5, hai máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã bay từ Guam tới căn cứ không quân Misawa tại Nhật Bản để tham gia huấn luyện với máy bay trinh sát P-8 Poseidon và tàu sân bay USS Ronald Reagan. Người phát ngôn Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương khi đó nhấn mạnh rằng cuộc huấn luyện cho thấy Mỹ có khả năng “nhắm đến bất cứ mục tiêu nào ở mọi nơi, mọi thời điểm”.
Theo các nhà phân tích, B-1B có thể cất cánh từ Mỹ, tiếp liệu trên không và đến Tây Thái Bình Dương trong 15 tiếng đồng hồ. Nếu cất cánh từ Hawaii, chuyến đi này sẽ mất khoảng 9 tiếng.
Nhưng có một vấn đề đối với Lầu Năm Góc là phi đội máy bay ném bom của Mỹ đang thu nhỏ dần. Vào cuối Chiến tranh Lạnh, Mỹ sở hữu hơn 400 máy bay ném bom, nay chỉ còn 158 chiếc với 62 máy bay B-1B và 76 “pháo đài bay” B-52. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sở hữu lượng nhỏ 20 máy bay ném bom B-2 mới. Không quân Mỹ dự định cho 17 chiếc B-1B “nghỉ hưu” trong năm 2021 để tập trung nguồn lực vào thế hệ máy bay ném bom mới B-21.