Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự này tính đến hơn 60 yếu tố như mức độ phức tạp của thiết bị, tài chính, địa lý và tài nguyên... Bảng xếp hạng chỉ đánh giá quân đội theo quan điểm thông thường, không tính tới khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân, đào tạo và huấn luyện của quân đội, lực lượng tình báo hoặc tính hiệu quả của cơ cấu chỉ huy quân đội của một quốc gia. Thang đánh giá được phản ánh qua chỉ số sức mạnh quân sự (PwrIndx), trong đó chỉ số hoàn hảo là 0,0000, chỉ số càng thấp phản ánh năng lực chiến đấu thông thường của quốc gia càng cao.
Theo bảng xếp hạng mới, Mỹ là quốc gia đứng đầu về sức mạnh quân sự năm 2024, với chỉ số sức mạnh là 0,0699. Tiếp đến là các nước Nga và Trung Quốc với các chỉ số sức mạnh quân sự lần lượt là 0,0702 và 0,0706. Ngoài tốp 3 quốc gia hàng đầu, đứng ở các vị trí tiếp trong tốp 10 lần lượt là Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Italy chốt ở vị trí thứ 10. Trong nhóm này, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Italy duy trì thứ hạng ổn định so với năm 2023. Hàn Quốc, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ thăng hạng trong khi Anh và Pakistan tụt hạng so với năm 2023.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đứng thứ 13, ở thứ hạng cao hơn các nước như Israel, Đức (lần lượt xếp thứ 17 và 19). Sức mạnh phòng thủ chính của Indonesia là số lượng quân đội của nước này với quân số được ghi nhận là 1.050.000 người, trong đó có 400.000 nhân viên tại ngũ. Năm 2023, bảng xếp hạng của Global Firepower cũng xếp Indonesia ở vị trí 13.