Trả lời hãng tin Sputnik, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon cho biết: "Chúng tôi liên tục thảo luận về vấn đề đó. Chúng tôi đã báo cáo Quốc hội về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 9/11. Chúng tôi cũng tiến hành các cuộc thảo luận ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm giải pháp thay thế khả thi cho hệ thống tên lửa phòng không S-400".
Tháng 12/2017, Ankara đã ký một thỏa thuận với Moskva dự kiến mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Giám đốc điều hành tập đoàn Rostec, ông Sergey Chemezov, cho biết hợp đồng dự kiến giao bốn hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỷ USD, với 55% số tiền hợp đồng được chi trả từ các khoản vay của Nga. Ngày 25/10, Ankara cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu triển khai S-400 vào tháng 10/2019.
"Như chúng tôi đã thảo luận với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, việc mua S-400 sẽ gây ra hậu quả đáng kể, cụ thể là với mối quan hệ quốc phòng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Có rất nhiều điều kiện kèm theo hợp đồng mua hàng", người phát ngôn Pahon giải thích.
Trước đó, các quan chức Mỹ cảnh báo nếu Ankara tiếp tục với kế hoạch mua hệ thống S-400, Mỹ có thể ngừng hợp đồng chuyển giao chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngăn chặn việc chuyển giao các chiến đấu cơ F-35.
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động thế hệ mới của Nga có thể mang ba loại đạn tên lửa riêng biệt đủ khả năng phá hủy một loạt mục tiêu trên không trong đủ mọi phạm vi, từ máy bay trinh sát đến tên lửa đạn đạo.
Đề cập đến hệ thống S-300 của Nga triển khai tại Syria, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Pahon nhấn mạnh hệ thống không ảnh hưởng tới hoạt động của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, ông cảnh báo triển khai thêm nhiều hệ thống vũ khí ở Syria chỉ có thể gây nguy hiểm cho nhiều quân đội hoạt động trong khu vực và gây nguy cơ tiềm ẩn cho các máy bay dân sự di chuyển qua khu vực.
"Bất kỳ vũ khí bổ sung nào tới Syria thời điểm này chỉ khiến cho căng thẳng lo thang. Chúng ta cần phải có các cuộc đối thoại ngoại giao để chấm dứt xung đột miền Đông Syria. Chúng tôi vẫn tập trung đánh bại IS”, Pahon nhắc lại nhiệm vụ của Mỹ tại Syria không thay đổi.
Ngày 2/10, Nga hoàn thành việc cung cấp hệ thống S-300 cho Syria nhằm tăng cường sự an toàn của quân đội nước này được triển khai tại đây. Động thái được công bố sau khi một chiếc máy bay quân sự Il-20 của Nga bị tên lửa Syria bắn nhầm trong lúc đối phó với các chiến đấu cơ F-16 của Israel đang không kích tỉnh Latakia.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các máy bay chiến đấu Israel sử dụng máy bay Nga như một lá chắn trước các hệ thống phòng không của Syria. Trong khi đóm Israel lên tiếng lo ngại quyết định của Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Syria khiến Damascus có thể kiểm soát không phận Israel.